Trong thời kỳ cải cách xuất hiện một tầng lớp tri thức gọi là những Người Ottoman trẻ rất ủng hộ việc cải cách. Năm 1868 họ xuất bản thời báo Hurriyet (Tự Do); họ nói giờ chính là thời điểm để tiến lên với những gì du nhập từ Châu Âu hiện đại và những nguồn cảm hứng từ quá khứ Hồi giáo sơ khai. Những Người Ottoman trẻ trở thành phong trào đầu tiên trong thế giới Hồi giáo phát minh ra một tư tưởng học hiện đại gợi cảm hứng từ Hồi giáo.
Tháng 11 năm 1876, giấc mơ của những người tự do trở thành sự thực khi Sultan Abdulhamid II thông qua “Luật Cơ Bản” tuyên bố rằng quốc giáo là Hồi giáo, nhưng mọi công dân được gọi là người Ottoman, và mọi người Ottoman đều có quyền tự do cá nhân trong khuôn khổ không can thiệp vào quyền tự do của người khác, mọi Ottoman đều có chung quyền lợi mà không bị định kiến về tôn giáo. Và quốc hội đầu tiên trong lịch sử Hồi giáo được thành lập năm 1877, với hơn 1/3 số ghế không thuộc về người Hồi giáo.
Nhưng người Nga, vốn dòm ngó lãnh thổ Ottoman đã lâu, nhân cơ hội này để “bảo vệ quyền lợi của tín đồ Cơ Đốc”, đã kích động những người Chính thống giáo Đông Phương nổi dậy ở Bulgari năm 1876. Tất nhiên, người Nga sớm nhập cuộc ngay sau đó, cùng với người Serbia, Montenegro, Romania, và Bulgari đã gây ra một tổn thất lớn cho quân đội Ottoman và dân số người Hồi giáo. Năm 1878, quân đội Nga đã đến vùng biên Istanbul, tạo ra một hiểm họa chết người cho đế chế.
Các thế lực Châu Âu nhanh chóng can thiệp và kết thúc với việc ký hiệp ước tại Hội Nghị Berlin. Montenegro, Serbia, và Romania trở thành các nhà nước độc lập; Bulgari trở thành vùng tự trị; 4 thành phố ở đông Anatolia được trao cho Nga. Người Ottoman mất 2/5 lãnh thổ và phải bồi thường một khoản chiến phí lớn cho Nga, và phải chịu tránh nhiệm cho hơn một triệu người tị nạn nghèo khổ từ Balkan và Caucasia.
Tự do vấp phải “thù trong giặc ngoài” đã diễn ra đúng như James Madison nói chiến tranh “là kẻ thù đáng sợ nhất của tự do”. Sultan Abdulhamid II khi thấy quân Nga chỉ còn cách thủ đô có vài cây số đã quyết định đế chế cần có kỷ luật và trật tự hơn bất kỳ điều gì khác, do đó ông đình chỉ hiến pháp và giải tán quốc hội mới thành lập được hơn 1 năm. Đây chỉ là một trong những ví dụ về gánh nặng mà người Ottoman gặp phải trong khi cố gắng cải cách tự do hóa, điều mà Phương Tây không phải đối mặt.
Tuy thế, Abdulhamid không phải là người có đầu óc hẹp hòi. Ông vẫn tiếp tục sự hiện đại hóa, tạo ra những tiến bộ tích cực trong giáo dục, luật pháp, và phát triển kinh tế. Dù là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo nhưng dù sao Abdulhamid vẫn ngưỡng mộ văn minh Phương Tây và còn khuyên người Hồi giáo noi theo gương người Cơ Đốc giáo loại bỏ chủ nghĩa giáo điều và chính sách ngu đần ra khỏi đức tin.
Một cải cách lớn nhất dưới thời Abdulhamid được thực hiện bởi bộ trưởng Ahmet Cevdet Pasa, một học giả thông thái. Từ trước đến nay không hề có một nguồn duy nhất của luật Hồi giáo có thể được dùng để tham khảo, thay vào đó là vô số các quan điểm luật pháp khác nhau. Một thẩm phán Hồi giáo do đó phải dùng sự thẩm định của mình để tìm ra một quan điểm hợp pháp cho một vụ án cụ thể. Việc làm này trở nên không hiệu quả trong bối cảnh hiện đại hóa, do đó cần một phải có một bộ luật dân sự duy nhất cho toàn đế chế. Và Ahmet Cevdet Pasa đã cải tổ shariah, viết nên bộ luật Mecelle với phong cách hiện đại. Bộ luật đã được rất nhiều quốc gia Hồi giáo Trung Đông sử dụng đến tận giữa thế kỷ 20, và được Israel sử dụng đến tận những năm 1980.
Năm 1908, sự hiện đại hóa Ottoman bước vào một thời đại mới khi những Người Thổ trẻ (khác những Người Ottoman trẻ) yêu cầu Sultan khôi phục lại hiến pháp và quốc hội. Thập kỷ tiếp theo trở thành những năm tháng tự do nhất của tư tưởng mà Thổ Nhĩ Kỳ từng chứng kiến. Luật gia đình Ottoman năm 1917 đã nâng quyền phụ nữ lên một bậc cao hơn, bãi bỏ chế độ đa thê một cách hiệu quả.
Một hiện tượng đáng nói khác trong thập kỷ cuối cùng của đế chế Ottoman là thâm nhập của tư tưởng thế tục Châu Âu cùng triết học vô thần và phản tôn giáo. Những Người Thổ trẻ đã bắt đầu xem tôn giáo như “trở ngại của tiến bộ” và cần phải được thay thế bằng khoa học. Giới trí thức tôn giáo đã phản ứng lại bằng những biện luận lý lẽ. Ismail Hakki Izmirli đưa ra một “thần học mới” có thể tích hợp vào những triết học mới. Ông định nghĩa Hồi giáo là “tôn giáo của bình đẳng và tự do,” một thái độ nhận định khá phổ biến của những người theo chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo cuối thời kỳ Ottoman. Họ đọc thánh kinh với một góc nhìn mới, dẫn đến những diễn giải mới phù hợp với chủ nghĩa tự do.
Những người tự do Hồi giáo này đôi khi chỉ đọc được từ thánh kinh những gì họ muốn nghe, nhưng chẳng phải là những người Hồi giáo trung cổ cũng đã đọc thánh kinh theo những quy tắc thuộc về thời đại và hoàn cảnh riêng của họ đó sao? Sự thay đổi nhận thức tôn giáo thúc đẩy bởi sự thay đổi xã hội này được giới tri thức Ottoman chú ý. Sabahattin Bey, người sáng lập ra Đảng Tự Do (Ahrar) đã quảng bá những ý tưởng từ cuốn sách ông đọc được cho giới ưu tú Ottoman. “Trở ngại cho sự tiến bộ của chúng ta không phải là tôn giáo,” ông nói, “mà chính là cấu trúc xã hội của chúng ta.”
Mặc cho những ý tưởng mới, luật và thể chế mới, đế chế vẫn thất bại trong việc bắt kịp với những quốc gia công nghiệp hóa của Châu Âu và cảm thấy bị kẹt giữa Anh và Pháp, những nước trước đây là bạn thì từ năm 1907 lại trở thành đồng minh với kẻ thù là Nga. Trước sự lớn mạnh của Đức, lựa chọn duy nhất cho giới ưu tú Ottoman là trở thành đồng minh với họ, một quyết định đã đặt họ vào phe thua cuộc trong Thế Chiến I.
Tuy nhiên, đòn đánh chí mạng dành cho đế chế lại là chủ nghĩa dân tộc, thứ đã xé tan hệ thống đa nguyên. Những dân tộc Cơ Đốc lần lượt nổi dậy giành độc lập, những giờ phút sung sướng của những quốc gia độc lập mới thành lập lại là nỗi kinh hoàng cho những thành phần thiểu số. “Serbia cho người Serbia, Bulgari cho người Bulgari, Hy Lạp cho người Hy Lạp,” là những khẩu hiệu nổi tiếng vào đầu thế kỷ 19, nhưng “Người Thổ và Do Thái cút!” Những người Do Thái không có đất đai để đòi này trung thành với đế chế đến phút chót và chịu chung số phận với người Thổ. Theo một số ước đoán, tại những vùng Balkan, Caucasia, Crimea, hơn 5,000,000 người Hồi giáo Ottoman đã chết trong khoảng từ năm 1821 đến 1922, người chết trong chiến tranh, kẻ vì đói rét và bệnh tật.
Chủ nghĩa dân tộc từ từ len lỏi cả vào những dân tộc Hồi giáo của đế chế. Chưa đến 2 thế kỷ, khát khao độc lập đã ảnh hưởng trước tiên là người Albania rồi đến một số người Ả Rập. Do đó, vào ngày trước Thế Chiến I, quân đội Ottoman thấy mình dính mắc vào những cuộc chiến vô vọng suốt một khoảng lãnh thổ rộng lớn từ Macedonia đến Yemen.
Đế chế Ottoman một thời hùng mạnh bị đánh bại trên mọi mặt trận.
Mai Dạ Phúc Ca