Lược sử tư tưởng hồi giáo phần 8 (phần cuối)

Chỉ trong vài thập kỷ trong khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, gần như toàn bộ thế giới Hồi giáo bị tấn công, xâm lược và bị chiếm đóng bởi những quốc gia ngoại đạo. Sau Thế Chiến I, gần như tất cả các nhà nước Hồi giáo vực dậy từ tro tàn đều trở thành thuộc địa của Anh, Pháp hoặc Ý.

Quanh quẩn mãi vẫn không tìm ra hướng đi

Chỉ trong vài thập kỷ trong khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, gần như toàn bộ thế giới Hồi giáo bị tấn công, xâm lược và bị chiếm đóng bởi những quốc gia ngoại đạo. Sau Thế Chiến I, gần như tất cả các nhà nước Hồi giáo vực dậy từ tro tàn đều trở thành thuộc địa của Anh, Pháp hoặc Ý. Điều này khiến cho câu hỏi “Làm sao để được như Phương Tây?” trở thành “Làm sao để chống lại Phương Tây?” Nikki R. Keddie, một giáo sư người Mỹ, nhận xét rằng hầu hết những phong trào thánh chiến thời hiện đại là sự phản ứng với Chủ nghĩa thực dân Phương Tây. Chỉ có 3 nơi của Ottoman cũ tránh khỏi sự thuộc địa hóa: Bắc Yemen - nơi không ai thềm dòm ngó, Ả Rập Xê Út - mái nhà của các Wahhabi cực kỳ khắt khe, và Thổ Nhĩ Kỳ - trái tim của Ottoman cũ.

Chủ nghĩa tự do hết thời trong thế giới Hồi giáo vì tự do cá nhân bị gạt đi để dành sự tập trung cho sự tự do của cả cộng đồng. Khuynh hướng chống Phương Tây càng tệ hơn sau Thế Chiến II bởi phản ứng của người Ả Rập với sự thành lập nhà nước Israel.

Tuy đế chế Ottoman sụp đổ sau Thế Chiến I nhưng có một cao thủ tên là Mustafa Kemal đã cứu phần còn sót Thổ Nhĩ Kỳ khỏi sự xâm lược ngoại quốc, thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ năm 1923. Kemal (cai trị đến tận ngay trước Thế Chiến II mới chết) muốn xóa bỏ hoàn toàn Ottoman cũ và lập ra một quốc gia hoàn toàn mới mô phỏng sự tiên tiến của các quốc qua Châu Âu. Chế độ caliph tượng trưng cho sự thống nhất Hồi giáo đã bị ông loại bỏ năm 1924. Những người theo phong trào cách mạng của Kemal này được gọi là các Kemalist, họ đưa ra một thông điệp ngầm rằng Hồi giáo và sự hiện đại không thể dung hòa cùng nhau, và những tín đồ Hồi giáo phải chọn một trong hai. Chủ nghĩa Kemal đã truyền cảm hứng cho những người mang tư tưởng thế tục độc tài khác, góp phần làm trỗi dậy một tư tưởng phi tự do về hiện đại hóa trong đó xã hội được quản lý bởi nhà nước, trong khi nhà nước lại bị thống trị bởi quân đội. Năm 1933, Liên Đoàn Hành Động Quốc Gia được thành lập tại Syria cho thấy rõ thời kỳ của những kẻ độc tài mặc quân phục đã bắt đầu.

Chính trong thời kỳ hiện đại hóa mới này mà ta thấy những chuyện quái gở như cảnh sát Tehran ở Iran tấn công những phụ nữ nào dám che kín khi ra đường, sẵn sàng xé luôn quần áo của họ. Phụ nữ che mạng bị mất rất nhiều quyền lợi như không được nhận bằng cấp, không được nhận lương, không được nhận chạy chữa từ những bệnh viện công,... Nhân viên chính phủ sẽ bị đuổi việc nếu không mang vợ-không-che-mạng đến những buổi lễ chính thức. Tất nhiên, ý đồ thì có vẻ tốt nhưng cách thực hiện lại độc tài khiến cho việc này bị phản tác dụng, nhiều phụ nữ thà ở nhà còn hơn ra đường thiếu mạng che khiến phân cách nam nữ trong xã hội càng lớn, có người còn tự tử.

Những người Hồi giáo nhìn thấy một thế giới Hồi giáo vô cùng ảm đạm. Hầu hết người Hồi giáo bị thuộc địa hóa trở thành nô lệ của Châu Âu và cộng sản; vài quốc gia độc lập thì trở thành những chế độ độc tài theo hướng đàn áp đức tin của người dân; văn hóa vô đạo len lỏi vào xã hội bởi những kẻ theo chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật. Bởi vậy, một số người Hồi giáo nghĩ giờ đã đến lúc phải chống trả, từ đây hình thành nên nguồn cội của hệ tư tưởng Chủ nghĩa Hồi giáo thế kỷ 20, và một nhánh nguy hiểm hơn của nó, chủ nghĩa thánh chiến. Erol Gungor cho rằng hoàn cảnh và phản ứng của người Hồi giáo lúc này rất tương đồng với hoàn cảnh và phản ứng của người Do Thái trong thời kỳ của Christ với La Mã trước đó 2 thiên niên kỷ. Những Kẻ Nhiệt Huyết, một nhánh nguy hiểm của những người Do Thái bảo thủ Pharisee, đã quyết định tiến hành “thánh chiến” với cả La Mã và những người Do Thái khác. Khi bị vây hãm tại Masada, tất cả những Kẻ Nhiệt Huyết cùng gia đình đã tự sát chứ không đầu hàng, thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu thời đó đã có bom.

Trong khi Hồi giáo là một tôn giáo thì Chủ nghĩa Hồi giáo là một hệ tư tưởng chính trị (giống như Chủ nghĩa Xã Hội hay Chủ nghĩa Tư Bản). Các tín đồ Hồi giáo theo đuổi mục đích tín ngưỡng còn những người của Chủ nghĩa Hồi giáo theo đuổi mục đích chính trị, muốn “lật đổ trật tự toàn cầu.” Chủ nghĩa Hồi giáo bị ảnh hưởng bởi Chủ nghĩa Mác-Lênin, vay mượn kha khá tư tưởng của Chủ nghĩa Xã Hội và hơi giống với Chủ nghĩa Phát Xít, nó muốn áp dụng “shariah gốc”, tức là sử dụng những quy tắc luật lệ từ mười mấy thế kỷ trước cho thời hiện đại. Chủ nghĩa Hồi giáo tuyên bố nó vượt trội hơn hẳn Chủ nghĩa Xã Hội và Chủ nghĩa Tư Bản, đặc biệt thù nghịch với Chủ nghĩa Tư Bản và chủ nghĩa tự do. Hai trụ cột của nó là hội Huynh Đệ Hồi Giáo thành lập ở Ai Cập năm 1928 và nhóm Jamaat-e-Islami thành lập ở Pakistan năm 1941.

Đến thời điểm này do cộng đồng Hồi giáo đã chia 5 xẻ 7, thậm chí chia 50 xẻ 70 phân tán ở các nước khác nhau, vùng miền khác nhau, thành lập rất nhiều tổ chức, hội nhóm, băng đảng khác nhau. Các tư tưởng khác nhau bây giờ đã có đủ nhiều để tổ hợp lẫn lộn, nhặt chỗ này một tý, nhặt chỗ kia một tý rồi lập thành nhiều nhánh phụ khác nhau nên việc viết thành một xu hướng tổng hợp là không khả thi với em nữa. Những luồng tư tưởng chính em đã trình bầy theo trình tự thời gian cũng tạm đủ dùng để biết tại sao Hồi giáo từ một tôn giáo bình thường, thậm chí là tiến bộ bác ái lại có hiện trạng như ngày nay. Vấn đề của Hồi giáo hiện tại là không tìm được hướng đi dung hòa với xu hướng hiện đại.

Fact vui về dòng “khủng bố”:

Phe cực đoan nhất của các Kharijite trở thành tiền thân của al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác theo Chủ nghĩa Hồi giáo. Khi xưa các Kharijite dạt về khu vực Oman bây giờ, sau một thời kỳ khắt khe, hậu duệ cuối cùng của Kharijite là Sultan Qaboos bin Said al Said (mới chết) hóa ra lại cải cách đất nước rất tiến bộ và được nhân dân hết mực yêu quý. Trong khi đó, có những kẻ không phải là hậu duệ Kharijite nhưng lại tiếp thu và gìn giữ tư tưởng Kharijite rất thành công đó là các anh Ả Rập Xê Út. Tư tưởng của những người của truyền thống khắt khe dùng hadith (không biết thật hay giả) để soạn luật đại diện là trường phái Hanbali sau này được Muhammad ibn Abd-al-Wahhab tiếp thu cộng thêm với một nhiệt huyết kiểu Kharijite tạo thành các Wahhabi, và chủ nghĩa Wahhabi trở thành giáo lý chính thức của ngồi-trên-đống-vàng Ả Rập Xê Út.

Một đất nước giàu sang hào nhoáng nhưng phụ nữ ở đó khổ đủ đường. Nhờ có đống vàng mà nhà Xê Út có điều kiện rất thuận lợi để gây ảnh hưởng và truyền bá giáo lý khắt khe ra khắp thế giới Hồi giáo bên ngoài nên chị em Ả Rập Xê Út cũng có rất nhiều người cùng khổ ngoại quốc. Các anh Wahhabi cũng là những kẻ tội đồ của lịch sử khi sẵn sàng cho nổ hết các di tích lịch sử trong khu vực các anh quản lý, thậm chí còn định san luôn mộ Nhà tiên tri Muhammad và đang xem xét nổ luôn cái hang nơi ông nhận được lời Chúa. Được gợi cảm hứng từ các anh Wahhabi Ả Rập Xê Út nên đến lượt các anh Taliban lại tiến hành cho nổ bức luôn tượng Phật huyền thoại Bamiyan ở Afghanistan cao hơn 50m tồn tại từ trước khi Hồi giáo ra đời.

Mai Dạ Phúc Ca

Bài viết liên quan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay