Khi viết về buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều người đã đồng hóa hoạt động của các đạo quân Cờ Đen, Cờ Trắng và Cờ Vàng và dành cho chúng các danh từ thảo khấu, thổ phỉ, giặc cướp …Sự đồng hóa này phù hợp với thực tế lịch sử những năm giữa thập niên 1860, song đã không hoàn toàn chính xác kể từ năm 1868 trở đi, khi mà đạo quân Cờ Đen đã thần phục triều đình và hoạt động như một lực lượng cơ hữu của người Việt Nam. Song, trước hết, xin nhắc qua lý do về sự hiện diện của các đạo quân này tại Việt Nam. Vào những năm cuối thập niên 1840, đất nước Trung Hoa rơi vào loạn lạc, nhiều nơi dân lâm vào cảnh đói kém, một số người nhân cơ hội này đứng lên, vận động quần chúng, xây dựng thế lực, chống lại triều đình.
Đáng kể nhất là cuộc nổi dậy của Hồng Tú Toàn cùng một số thuộc hạ ở Quảng Tây. Trong những năm tháng đầu tiên, lực lượng nổi dậy thắng lợi tại nhiều tỉnh thành, họ chiếm lấy Nam Kinh, đổi tên thành Thiên Kinh, kinh đô của Thái Bình Thiên Quốc trong “triều đại” của họ. Tình trạng giằng co giữa triều đình nhà Mãn Thanh và Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn kéo dài đến những năm đầu thập niên 1860. Mãi đến năm 1864, lực lượng triều đình dưới quyền các danh tướng Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương mới đánh bại được Thái Bình Thiên Quốc, Hồng Tú Toàn tự tử chết. Tuy nhiên, với một lực lượng quần chúng lên đến hàng triệu người tồn tại gần 15 năm, hậu quả của chiến tranh không thể giải quyết trong một ngày, một bữa, nó còn kéo theo nhiều hậu quả lâu dài.
Dù thất bại, song nhiều lực lượng dưới quyền Hồng Tú Toàn vẫn tiếp tục hoạt động chống phá triều đình nhà Thanh. Họ lui dần về phía Nam và một lực lượng khá lớn dưới quyền tướng Ngô Côn đã xâm nhập vào hẳn lãnh địa Việt Nam, đáng kể nhất là các đạo quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh, Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị, và Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Họ đã sử dụng miền Bắc Việt Nam làm nơi ẩn tránh sự truy đuổi của triều đình nhà Mãn Thanh đồng thời nuôi quân, củng cố lực lượng bằng hình thức cướp bóc tại các địa phương họ trú đóng hay đi qua. Để chống lại giặc cướp có hiệu quả, triều đình Huế kêu gọi nhà Thanh cử quân phối hợp.
Đây là chi tiết khiến có sự nhầm lẫn rằng nhà Thanh cử quân sang xâm chiếm nước ta vào thập niên 1860, tranh giành quyền lợi với thực dân Pháp. Người được Bắc Kinh cử sang nước ta phối hợp lâu dài trong việc tiễu phỉ là Đề đốc tỉnh Quảng Tây Phùng Tử Tài. Vào khoảng cuối năm 1867, đầu năm 1868, quân triều đình đạt được một thắng lợi quan trọng khi chấp nhận sự hàng phục của đạo quân Cờ Đen dưới quyền Lưu Vĩnh Phúc, một thủ lãnh quân sự mới hơn 30 tuổi (sinh năm 1837). Trách nhiệm đầu tiên mà triều đình giao cho họ Lưu là tiêu diệt hai đạo quân Cờ Trắng và Cờ Vàng. Ngay vào tháng 1 âm lịch năm 1868, ông ta đã nhận được lệnh tấn công đạo quân Cờ trắng của Bàn Văn Nhị tại Tuyên Quang (Đại Nam thực lục – Tập 7 - NXB Giáo dục – Hà Nội 2006, trang 1094).
Đây là bước ngoặt quan trọng của thủ lãnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc trong quá trình sát cánh cùng quân đội Việt Nam chống lại các đạo quân thổ phỉ khác, đồng thời góp phần gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Nó tách hẳn đạo quân Cờ Đen ra khỏi hàng ngũ của hai đạo quân thổ phỉ thuần túy kia, song trong một thời gian dài, nhiều tư liệu lịch sử vẫn đồng hóa cả ba lực lượng trên. Điều này phát xuất chủ yếu từ nhận định của các cây bút phương Tây về một lực lượng đã gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Cho dù Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen từng có những hoạt động tác tệ, song không thể vì thế mà phủ nhận những đóng góp của họ trong quá trình hàng phục và hợp tác với quân triều đình.
Tháng 3 âm lịch năm 1869, với sự phối hợp của đạo quân nhà Thanh do Phùng Tử Tài chỉ huy, quân triều đình và quân Cờ Đen đã đại thắng quân Cờ Vàng trong một trận đánh lớn tại Lào Cai và đánh bật họ ra khỏi căn cứ địa Hà Giang. Dù hết lòng phục vụ triều đình nhà Nguyễn, song trong bước đầu, không phải họ Lưu luôn nhận được sự tín nhiệm của vua Tự Đức và quần thần. Phải chờ sau một thời gian dài, ông ta mới được tin tưởng và giao nhiều trọng trách, cũng như nhận lấy nhiều ân sũng. Như đã đề cập ở bài trước, triều đình nhà Nguyễn chấp nhận sự qui hàng của đạo quân Cờ Đen và sử dụng họ như một lực lượng cơ hữu của mình, song nhiều quan lại vẫn tỏ ra e dè, hoài nghi thiện chí hợp tác của họ.
Tháng 10.1869, đã có chủ trương đưa đạo quân của Lưu Vĩnh Phúc ra khỏi biên giới Việt-Trung, trở về lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 8.1870, Đề đốc Phùng Tử Tài đề nghị cho Lưu Vĩnh Phúc về nước, Phúc sợ bị nhà Thanh truy sát, xin ở lại châu Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) để khai thác tài nguyên và hợp tác đánh giặc. Vua Tự Đức cho rằng “dùng người Man đánh người Man là một việc cần, Vĩnh Phúc vốn thù nhau với Hoàng Anh, nên khéo khích để dùng …” (Đại Nam thực lục – tập 7 - sđd – trang 1238). Đúng như lời nhà vua phán, nửa năm sau khi quân Cờ Đen được tiếp tục sử dụng, vào tháng 2 AL 1871, có tin Lưu Vĩnh Phúc đã giết chết Hoàng Sùng Anh, thủ lãnh đạo quân Cờ Vàng.
Tỉnh thần Hưng Hóa đề nghị thưởng phẩm hàm cho Phúc, song tin chính xác cho hay, họ Hoàng chỉ bị thương trong trận đánh. Vị quan lại cao cấp của triều đình tại khu vực phía Bắc lúc bấy giờ là Lạng Bằng Ninh Thái Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm (có tài liệu ghi: Hoàng Kế Viêm). Họ Hoàng rất tín nhiệm Lưu Vĩnh Phúc, vào tháng 9 AL 1873 đã đề nghị triều đình cử họ Lưu làm Phòng ngự sứ (tòng ngũ phẩm), song vua Tự Đức không đồng tình, chỉ đồng ý xuất bạc kho ra để ban thưởng (ĐNTL – tập 7 - sđd – trang 1411). Còn tiếp...
Nguồn: Lê Nguyễn