Công việc không phải tất cả, tiền không đi đôi với hạnh phúc và việc khó quá thì buông… trở thành "triết lý sống" của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc. "Tang ping" (Triết lý nằm phẳng) xuất phát từ một bài viết trên mạng xã hội Tieba hồi giữa tháng 4. Người viết bài thuộc thế hệ 9X đề cập đến thuật ngữ này với lời giải thích: "Quyết tâm bỏ qua mọi nỗ lực để hoàn thành một công việc hay mục tiêu nào đó".
"Ở nước tôi, chưa bao giờ có một xu hướng đề cao tính chủ quan của con người, nên tôi muốn tạo ra lẽ sống cho riêng mình: Nằm yên mặc kệ tất cả. Chỉ khi nằm xuống, con người mới có thể trở thành thước đo của vạn vật", người này viết. Tác giả tự giới thiệu mình thất nghiệp hai năm qua, nhưng điều này không làm anh cảm thấy chán nản.
Thay vì đưa mình vào guồng quay kỳ vọng của gia đình hay chạy theo thành công của bạn bè, người này chọn cách nằm yên bởi "ngày càng thất vọng với văn hóa làm việc "vắt kiệt sức" của xã hội hiện đại". "Trước giờ, tiêu chuẩn của lối sống mà xã hội áp đặt cho chúng ta là: làm việc chăm chỉ, sự nghiệp thành công, mua nhà mua xe rồi kết hôn, sinh con. Tuy nhiên, tôi giờ chẳng quan tâm tới những điều đó. Tôi không làm thêm giờ, không cần thăng chức và cũng chẳng hào hứng với drama ở công ty" theo Wendy - một thành viên trong nhóm Lying Down Group với gần 6000 thành viên cho hay.
Huang Ping, giáo sư văn học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa thanh niên, nói với Sixth Tone rằng các phương tiện truyền thông nhà nước có thể lo ngại lối sống “tang ping” đe dọa năng suất lao động, sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, theo ông Huang thay vì đổ lỗi cho sự lười biếng, xã hội nên có cái nhìn thấu đáo hơn về những áp lực mà người trẻ đang phải gánh chịu.
"Nằm xuống là một lựa chọn cá nhân chứ không hoàn toàn là thái độ tiêu cực. Đối với một số người trẻ, đó là cách để họ trút bỏ gánh nặng cho bản thân. Khi bạn không thể bắt kịp với sự phát triển của xã hội, giá nhà tăng vọt thì tang ping thực sự là lựa chọn thích hợp nhất", ông Huang giải thích.
Nguồn: vnexpress.net