“Pi” là tên của kí tự thứ 16 trong bảng mẫu tự Hy Lạp. “Pi” có thể được hiểu nôm na là một hằng số biểu thị tỉ số giữa chu vi của đường tròn và đường kính của nó. Kí hiệu π của số Pi là chữ cái đầu tiên của từ “περίμετρος” (nghĩa là chu vi trong tiếng Hy Lạp), từ này được phát âm giống như từ “chiếc bánh” (và đây cũng là nguyên nhân khiến cho bánh trở thành món ăn được ưa chuộng trong ngày số Pi).
Số π đã được người cổ đại Ai Cập và Babylon biết đến mặc dù lúc đó giá trị của nó không được tính chính xác như ngày nay. Chẳng hạn người Babylon cho rằng giá trị của nó vào khoảng 3,125 và người Ai Cập thì nó vào khoảng 3,160484. Còn nhà toán học Hy Lạp Ac-si-met (287 - 222 TCN) là người đầu tiên tìm ra chính xác giá trị của số Pi, ông sử dụng đa giác 96 cạnh và chứng minh được rằng giá trị của π là 3,1419.
Ở Trung Quốc, đến thời Đông Hán, Trương Hạnh (78-139) cho rằng π là căn bậc 2 của 10; vào thời Ngụy Tấn (khoảng năm 263), nhà toán học Lưu Huy đã chỉ ra được giá trị của π là 3,1416 - một giá trị gần đúng khá sát với ngày nay. Đến thời Nam - Bắc Triều (khoảng năm 480), nhà khoa học Tổ Xung Chi đã tìm ra số π = 355/113 hay giá trị của π nằm trong khoảng từ 3,1415926 đến 3,1415927.
Số π do Tổ Xung Chi tìm ra được coi là giá trị chính xác nhất trong vòng 900 năm sau đó. Kí hiệu π được William Jones sử dụng lần đầu vào năm 1706 để tưởng nhớ đến nhà toán học Hy Lạp Ac-si-met là người đầu tiên tìm ra giá trị gần đúng của π. Số π bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào khoảng giữa thế kỉ 18, sau khi nhà toán học Euler xuất bản cuốn sách chuyên luận phân tích vào năm 1748.
Euler cho rằng π không là nghiệm của một phương trình đại số và cùng với e, π là một số siêu việt. Tới cuối thế kỉ 20, nhờ máy tính điện tử, con người đã tính được giá trị gần đúng của π tới con số thứ 200 tỉ sau dấu phảy. Vào ngày 11 tháng 9 năm 2000, người ta tìm được con số lẻ thứ một triệu tỉ (1.000.000.000.000.000) là số 0.
Công cuộc tìm kiếm và khám phá những chữ số sau dấu phảy của số π luôn luôn là một cuộc chơi thú vị nhưng vô cùng vất vả với các nhà toán học. Với các nhà toán học, có hai ngày được dành cho số π, đó là ngày số Pi và ngày số Pi gần đúng. “Ngày số Pi” được chọn vào ngày 14 tháng 3 hàng năm, đơn giản vì số Pi được xác định một cách gần đúng bằng 3,14.
William Jones.
Còn “Ngày số Pi gần đúng” được chọn là ngày 22 tháng 7 hàng năm do nhiều người vẫn biểu diễn giá trị của số Pi dưới một con số xấp xỉ là 22/7. Bên cạnh hai ngày dành cho con số Pi, các nhà toán học còn kỉ niệm cả phút Pi và giây Pi nữa đấy! Phút Pi được lựa chọn vào thời điểm 1:59 ngày 14 tháng 3 hàng năm; còn giây Pi thì lại đã xảy ra vào 6:53:58 ngày 14 tháng 3 năm 1592.
Các nhà toán học lựa chọn thời điểm như trên đơn giản là vì họ dựa vào giá trị chính xác của số π = 3.14159265358… Không chỉ lựa chọn riêng ngày 14 tháng 3 hàng năm là ngày lễ của số Pi, ở một số nơi trên thế giới, người ta còn tổ chức các lễ hội để tưởng nhớ việc tìm ra số π vào những ngày tháng khác đấy các bạn ạ!
Đơn cử như ngày 22 tháng 7 (phân số 22/7 có giá trị xấp xỉ bằng π), 10 tháng11 (ngày thứ 314 trong năm, nếu như năm nhuận thì tính là ngày 9 tháng 11), hay ngày 21 tháng 12 (ngày thứ 355 trong năm, lúc 1h13' - liên tưởng tới số π gần đúng của người Trung Quốc bằng 355/111)… Trong ngày số Pi, như chúng tớ đã nói ở trên, bánh ngọt “π” (những chiếc bánh xinh xắn được xếp thành hình dạng của số π) là món ăn được ưa chuộng.
Nhà toán học Euler.
Bên cạnh đó, mọi người còn nghe và cùng nhau hát những bài hát được lấy cảm hứng từ số π như Kate Bush – Pi (hãy đợi đến 1 phút 48 giây để bắt đầu nghe những con số nhé), Mathematical Pi, Lucy Kaplansky – Song About Pi… hay cùng nhau tụ tập ăn uống và thưởng thức tác phẩm điện ảnh dành riêng cho sự kiện này - bộ phim “Pi” của đạo diễn Darren Aronofsky.
Nguồn: Quang Khải - kenh14.vn