Nghĩ về ngôn ngữ sách giáo khoa

Có lẽ ở hầu hết các dân tộc trên thế giới, ngôn ngữ bao giờ cũng có trước văn tự. Ở nước ta cũng thế, ngay từ khi lập quốc, người Việt đã có ngôn ngữ riêng

Có lẽ ở hầu hết các dân tộc trên thế giới, ngôn ngữ bao giờ cũng có trước văn tự. Ở nước ta cũng thế, ngay từ khi lập quốc, người Việt đã có ngôn ngữ riêng, mãi đến thế kỷ 13 - 14, dưới thời Trần, mới có một văn tự riêng là chữ Nôm để diễn tả ngôn ngữ của mình. Nhờ thế mà thế hệ chúng ta ngày nay mới có Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, truyện Hoa Tiên, truyện Kiều … để ngâm ngợi. Cách đây gần 370 năm, giáo sĩ Alexandre de Rhodes là một trong những người đầu tiên nghĩ ra cách diễn đạt ngôn ngữ Việt bằng chữ la tinh, và thứ văn tự này được cải tiến dần thành chữ quốc ngữ chúng ta sử dụng ngày nay.

Khi làm công việc trọng đại này, de Rhodes đã ở Đàng Ngoài 3 năm và Đàng Trong 8 năm (nhiều đợt), nhờ vậy, ông nắm hiểu được nhiều phương ngữ khác nhau. Dù cách ký âm trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của de Rhodes còn phôi thai, song nhờ sự trải nghiệm qua nhiều vùng miền, ông viết “con trâu” theo cách đọc của người Đàng Trong, chứ không viết “con châu” theo cách đọc của người Đàng Ngoài. Soạn từ điển, de Rhodes đã ý thức được tính đa dạng của ngôn ngữ Việt và áp dụng nhận thức đó trong biên soạn. Trong văn học, vào những thập niên 1930 -1940, do sự thiếu thốn phương tiện giao thông, sự cách trở về địa lý, mà sự giao lưu giữa các vùng miền chưa được nhiều.

Người miền Nam đọc tác phẩm của các nhà văn miền Bắc như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, thậm chí của Tự Lực văn đoàn …còn bắt gặp nhiều lỗi chính tả so với ngôn ngữ chung của cả nước. Đó là chưa kể khi viết về cuộc sống, con người của một vùng miền nhất định, nhà văn buộc phải thể hiện câu chuyện kể của mình bằng thứ ngôn ngữ riêng của vùng miền đó. Về điều này, cụ Hồ Biểu Chánh là một bậc thượng thừa, truyện của cụ đặc sệt chất Nam Bộ, người đọc thuộc các thế hệ sau có dịp học được ngôn ngữ của người đi trước, nhất là những ngôn ngữ đã bị đào thải dần ra khỏi đời sống tinh thần của cả dân tộc.

Song văn chương, nghệ thuật khác hoàn toàn với học thuật và giáo dục. Trong học thuật, nhất là về dịch thuật, cách đây hơn nửa thế kỷ, các nhà dịch thuật xuất thân ở miền Bắc, ngồi làm việc trong những cơ sở văn hóa ở miền Bắc, đã bỏ qua rất nhiều tính khác biệt vùng miền, lấy vùng miền họ đang sống làm tiêu chuẩn cho cả nước. Một trong những tiêu biểu của hiện tượng này là trường hợp các học giả dịch thuật bộ Đại Nam thực lục, bộ sử chính thức của nhà Nguyễn, vào thập niên 1960, và cả về sau này. Thử đọc bộ sách trên, ta sẽ thấy tên nhiều nhân vật lịch sử theo cách gọi đúng từ nơi xuất thân của họ được chuyển thành cách gọi của người miền Bắc, ví dụ Ngô Tùng Châu bị đổi thành Ngô Tòng Chu, Châu Văn Tiếp thành Chu Văn Tiếp, Nguyễn Huỳnh Đức thành Nguyễn Hoàng Đức …

Trong văn hóa cũng thế, tên Huỳnh Tịnh Của được nhiều sách đổi thành Hoàng Tịnh Của, hài hước nhất là gần đây có sách gọi ngọn núi Châu Thới nằm sừng sững giữa hai địa phương Biên Hòa-Gia Định là núi “Chu Thái”!! Thôi thì lãnh vực học thuật cũng còn có chỗ châm chước được phần nào, vì nó dành cho một bộ phận công chúng “tinh hoa” hơn, phần lớn có đủ nhận thức để phân biệt đúng sai. Trong lãnh vực giáo dục mới đáng sợ, viết sách giáo khoa mà không nắm hiểu được tính đa dạng của các ngôn ngữ vùng miền và khư khư coi ngôn ngữ của vùng miền mình đang sống là chuẩn mực của ngôn ngữ cả nước, thì đó chẳng những là thái độ kẻ cả đáng phê phán mà còn chứng tỏ sự thô thiển và nông cạn, không xứng đáng với một công việc có tầm “phủ sóng” trên cả nước.

Viết sách giáo khoa cho lớp trẻ mới bắt đầu học chữ mà ăn viết là chén, nhai viết là nhá, uống viết là tợp…, thì chẳng hiểu người viết đặt mình ở đâu trong cộng đồng dân tộc, sách viết cho ai! Thực tế cho thấy tính “Bắc hóa” ngôn ngữ đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc, trong cách phiên âm tiếng nước ngoài chẳng hạn. Vào thập niên 1970, người ta xuất bản tác phẩm viết về nhà soạn nhạc Nga Tchaikovsky với phiên âm tên của nhân vật được in to ở trang bìa là Trai-cốp-xki! Với cách phiên âm này, người miền Nam sẽ đọc ra sao? Lại nữa, trong việc học tiếng Pháp, người miền Bắc đọc sai khá nhiều ở những âm cuối có các ký tự ain, in, ví dụ: demain matin, họ đọc là “đờ manh, ma tanh”, sách viết về nhà bác học (Albert) Einstein, tên ông được âm ra là “Anh-xtanh”…

Đưa ra vài ví dụ nho nhỏ để thấy rằng khi viết hay phiên âm từ nước ngoài ra tiếng Việt, nếu không chú ý đến sự khác biệt vùng miền, sẽ dễ dẫn đến những hậu quả tai hại. Gần đây, có giáo sư tiến sĩ đề ra “sáng kiến cải tiến ngôn ngữ” trên tinh thần lấy tiếng của người miền Bắc làm chuẩn mực cho ngôn ngữ cả nước, từ “con trâu” viết thành “con châu”! Sao chúng ta sinh sau Alexandre de Rhodes hàng mấy trăm năm mà còn không học được cách nhận thức tối thiểu của người viết về ngôn ngữ? Khi la tinh hóa ngôn ngữ Việt, De Rhodes biết dựa vào tính đa dạng của nó để viết “con trâu” khác với “ngọc châu”, viết “tranh đấu” khác với “chanh chua”, sao bây giờ lại cố tình bỏ quên nguyên tắc làm việc sơ đẳng đó?

Tính đến nay, bộ sách Quốc văn Giáo khoa Thư được soạn thảo dưới thời Pháp thuộc mà nhiều thế hệ người Việt được học đã hơn 90 tuổi (1927). Cách đây cả thế kỷ, các cụ sinh sống, làm việc tại miền Bắc, đã soạn thảo sách giáo khoa với một tinh thần trách nhiệm rất cao, học sinh miền Nam học không thấy bỡ ngỡ gì. Với những từ có tính vùng miền hay không thay đổi được, các cụ chú thích rõ ràng để giáo viên có cơ sở giải thích, học trò tự học cũng khỏi bỡ ngỡ. Ví dụ như bài “Nên giúp đỡ lẫn nhau” trong sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị có câu “một ông lão đẩy chiếc xe lợn” thì ngay sau chữ lợn có ký hiệu và ngay bên dưới bài có chú thích “heo”

Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp đồng ấu, ở trang 3, in đến câu “không nên tắm rửa nước bẩn”, ngay sau chữ bẩn, các cụ có ngay số (1) và chú thích bên dưới “dơ”…Các cụ còn kỹ lưỡng đến mức đã ghi chú chung như sau “Trong sách này những tiếng đứng giữa ngoặc đơn là tiếng Trung kỳ của tiếng Bắc kỳ đứng trước, những tiếng có số ở dưới bài là tiếng Nam kỳ của tiếng Bắc kỳ có số viết lên trên (superscript) tương ứng”. Người xưa sống dưới chế độ thực dân, soạn sách giáo khoa kỹ lưỡng, đề cao tinh thần trách nhiệm như thế, sao người đời nay lại sơ suất đến thế? Trong những năm qua, việc soạn thảo sách giáo khoa, các loại sách tham khảo trong ngành giáo dục để lộ nhiều sai sót, thiếu trách nhiệm, đỉnh điểm là sự kiện mới đây khi có sách liệt lạc đà vào loài …chim.

Một loại kiến thức sơ đẳng, ai cũng biết, thế mà qua bao nhiêu khâu, từ người soạn thảo, người biên tập, người xét duyệt, thẩm định, người xem lại bản in, không ai thấy được là nó … vô lý! Đó là một thảm họa về tinh thần trách nhiệm của người soạn thảo và những người có liên quan trong việc cung cấp các loại sách dành cho giáo dục học đường. Ở trên chúng ta chỉ mới nói chủ yếu về mặt kỹ thuật. Về mặt đạo đức, sách Quốc văn Giáo khoa thư do thực dân Pháp phát hành cách đây gần trăm năm dạy con trẻ những việc làm phải, làm đúng ở đời: biết yêu thương, nhường đường cho người tàn tật; ông lão đẩy xe heo lên dốc, một đám học trò đang chơi đùa gần đó, vội vã chạy đến phụ ông lão đẩy xe; trời nhá nhem tối, một ông lão già nua hì hục khuân tảng đá lớn ai bỏ giữa đường, mang vào ven đường cho xe cộ, người bộ hành qua lại không bị vấp ngã …

Những bài học làm người như thế sao không soạn và dạy, lại dạy cho trẻ cách láu cá, trốn trách nhiệm, dạy những chuyện vô lý theo kiểu chị du kích ném lựu đạn xa hàng 6-7 trăm mét ???? Tóm lại, với tư cách người đóng thuế để nuôi bộ máy công quyền, chúng tôi không thỉnh cầu hay kiến nghị, mà trực tiếp yêu cầu Bộ Giáo dục mấy điểm tối thiểu sau đây: - Đề cao nhận thức rằng sách giáo khoa là công cụ tinh thần vô cùng hệ trọng, có ảnh hưởng đến tương lai của nhiều thế hệ. - Việc soạn thảo sách giáo khoa phải được giao cho những người có hiểu biết rộng, đặc biệt về mặt ngôn ngữ, phải nắm hiểu nhiều phương ngữ khác nhau thuộc các vùng miền trên cả nước.

Triệt để loại bỏ tinh thần coi ngôn ngữ miền Bắc là trung tâm của ngôn ngữ dân tộc, áp đặt những phương ngữ của các địa phương miền Bắc vào sách giáo khoa, sách tham khảo dành cho học sinh cả nước. - Dồn hết trí tuệ, công sức soạn thảo những bộ sách giáo khoa không nhằm các mục đích chính trị nhất thời (vì dễ bị thay đổi bởi thời gian) mà nhằm vào một đời sống tinh thần bền vững của cả dân tộc, sử dụng cho nhiều thế hệ kế tiếp nhau. - Đề xuất chính phủ dành cho sách giáo khoa những khoản trợ cấp lớn để sau khi in ấn xong, bán ra công chúng với giá phi lợi nhuận, thậm chí dưới mức giá thành.

Coi thị trường sách giáo khoa là một nguồn lợi béo bở do số người tiêu thụ quá đông, đánh mạnh vào túi tiền của hàng triệu người nghèo khó, là một loại nhận thức và hành động phi đạo lý, phi giáo dục. - Các vị lãnh đạo ngành giáo dục không vực dậy được sự nghiệp trồng người, thậm chí còn làm bại hoại hơn trước thì không nên ngồi lì trên ghế của mình, vì tính liêm sỉ cần thiết của người có học, và vì như thế là đắc tội với nhiều thế hệ về sau.

Nguồn: Lê Nguyễn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay