Nhiều trường đại học ở TP.HCM tăng học phí gấp đôi

ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), có mức học phí năm học 2021-2022 tăng mạnh so với các năm trước.

Trong tiến trình các trường đại học thực hiện tự chủ, bao gồm tự chủ tài chính, học phí tăng nhanh, thậm chí tăng gấp đôi. Trong năm tới, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đều tăng học phí. Theo đề án tuyển sinh năm 2021 của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí áp dụng cho tân sinh viên khóa mới trong năm học 2021-2022 ở mức 32 triệu đồng/năm đối với các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt.

Học phí các ngành còn lại là 28 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sinh viên đóng thêm chi phí học tập 2 học phần bắt buộc, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh theo quy định hiện hành. Trong khi đó, năm ngoái, mức thu của trường đối với sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM là 14,3 triệu đồng, hộ khẩu tỉnh thành khác là 28,6 triệu đồng. Tại ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin với chương trình đại trà, học phí mới là 25 triệu đồng/năm (sinh viên hiện tại đóng khoảng 12 triệu đồng/năm).

Bên cạnh đó, chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh thu học phí 66 triệu đồng/năm, tăng 10% so với mức hiện tại. Học phí chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật vẫn giữ nguyên mức 50 triệu đồng/năm. Ông Thắng cho biết thêm theo lộ trình, học phí chương trình đại trà năm học 2022-2023 tăng lên 27,5 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 30 triệu đồng. Mức thu này sẽ giữ ổn định cho hai năm tiếp đó. ĐH Kinh tế - Luật dự kiến học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng, năm 2022 ở mức 22,6 triệu đồng, năm 2023 thu 24,8 triệu đồng, năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 30 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2026-2030, trường dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng 10-15%. Học phí hệ đại trà hiện tại ở mức khoảng 9,8 triệu đồng/năm. ĐH Công nghệ thông tin dự kiến thu học phí năm 2021 là 25 triệu đồng; năm 2022 mức 30 triệu đồng; năm 2023 thu 45 triệu đồng; năm 2024 là 49,5 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 54,4 triệu đồng. Lý giải việc tăng học phí, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho hay tháng 7/2020, ĐH Bách khoa được phê duyệt đề án tự chủ theo quyết định của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Hai trường Kinh tế - Luật và Công nghệ thông tin cũng được phê duyệt tự chủ. Theo ông Thắng, chi phí để đào tạo một kỹ sư rất lớn, năm 2019 đã hơn 60 triệu đồng/năm/sinh viên. Trường thu học phí khoảng 12 triệu đồng. Bù lại, trường có khoản kinh phí thường xuyên do Nhà nước cấp. Khi thực hiện tự chủ, ngân sách Nhà nước không cấp thường xuyên, trường tăng học phí lên mức 25 triệu đồng/năm để bù đắp phần nào. Ông Thắng nói thêm trường có thêm kinh phí từ các dự án, chuyển giao công nghệ, nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp, xã hội để việc đào tạo đảm bảo chất lượng.

"Tại trường kỹ thuật, chi phí đầu tư cho trang thiết bị phục vụ đào tạo là con số lớn. Mức học phí 25 triệu đồng/năm cũng chỉ chiếm một phần trong chi phí đào tạo. Chắc chắn, trường còn hỗ trợ người học nhiều", PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh. Trong khi đó, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lý giải học phí tăng vì trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học.

Trường thông tin thêm đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. Thực tế, năm ngoái, khi ĐH Y Dược TP.HCM thực hiện tự chủ và đưa ra mức học phí cao so với mức thu hiện tại, dư luận cũng thắc mắc. Khi Nhà nước và Bộ Y tế không hỗ trợ thường xuyên cho chi phí đào tạo sinh viên ngành y, ĐH Y Dược TP.HCM, cũng như các trường y thực hiện tự chủ sẽ phải tính toán để đưa ra mức học phí mới nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Cũng như ngành kỹ thuật, kinh phí đào tạo ngành y rất lớn. Để sinh viên yên tâm trước thông tin tăng học phí, PGS.TS Bùi Hoài Thắng khẳng định mức thu mới áp dụng với sinh viên nhập học năm 2021-2022. Những em nhập học từ các năm trước vẫn đóng học phí theo quy định trước. Ngoài ra, để hỗ trợ sinh viên, trường còn trích nguồn thu để tăng mức học bổng. Dự kiến, học bổng hỗ trợ sinh viên có thể lên đến 50 tỷ đồng/năm, tăng gấp đôi so với mức hiện tại (khoảng 20 tỷ đồng/năm).

Bên cạnh đó, hội cựu sinh viên trường đang xây dựng chương trình hỗ trợ học phí hoặc cho vay lãi suất thấp, khoảng 15 tỷ đồng/năm. Cùng việc tăng học phí, trường luôn đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Năm vừa rồi, ĐH Bách khoa TP.HCM đã vay vốn đầu tư để để nhanh tiến độ xây dựng tòa nhà H3. Năm nay, tòa nhà bắt đầu đi vào hoạt động.

Nguồn: Nguyễn Sương - zingnews.vn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay