Những cống hiến của Nguyễn Văn Đông trong sự nghiệp nghê thuật

Nguyễn Văn Đông chủ yếu được biết đến với vai trò nhạc sĩ, với gần 80 sáng tác dưới nhiều bút danh khác nhau.

Nguyễn Văn Đông chủ yếu được biết đến với vai trò nhạc sĩ, với gần 80 sáng tác dưới nhiều bút danh khác nhau. Ngoài những cống hiến dành cho tân nhạc, ông cũng được xem là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng và phát triển thể loại nhạc tân cổ giao duyên. Bên cạnh đó, ông còn đạo diễn và viết nhạc nền cho hơn 50 vở tuồng cải lương, bao gồm những vở kinh điển như Tiếng hạc trong trăng hay Nửa đời hương phấn.

Nguyễn Văn Đông cũng là Giám đốc của hai hãng băng đĩa nhạc đình đám thời bấy giờ là Continental, Sơn Ca, và chính ông là người đã thực hiện một trong những cuộc cách mạng lớn nhất cho nền âm nhạc Việt Nam: phát hành album riêng cho từng ca sĩ - điều mà chưa ai từng làm trước đây. Trong đó, ông cộng tác với rất nhiều danh ca như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu và cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ít ai biết rằng, không phải Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy, mà chính Nguyễn Văn Đông - một chiến sĩ của Quân lực VNCH, lại là vị nhạc sĩ tiên phong cho dòng nhạc phản chiến. Năm 1961, vì sợ làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân đội, Bộ Thông tin thuộc chính quyền Sài Gòn khi ấy đã cấm lưu hành hai tác phẩm rất nổi tiếng của ông là "Chiều mưa biên giới" và "Mấy dặm sơn khê".

Dù vậy, sau đó thì ông vẫn tiếp tục sáng tác những bài hát khác mang tính phản đối chiến tranh. Ngoài ra, Nguyễn Văn Đông còn là người thầy của hai danh ca Giao Linh, Thanh Tuyền, và chính ông cũng là người đã thuyết phục Hà Thanh - một trong những nữ danh ca sở hữu kỹ thuật thanh nhạc được đánh giá rất cao, vào Sài Gòn để phát triển sự nghiệp.

Rồi từ ấy, Hà Thanh đã trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của miền Nam Việt Nam. Thập niên 1950, Nguyễn Văn Đông thành lập Đoàn văn nghệ Vì Dân, quy tụ được rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi đương thời như Mạnh Phát, Thu Hồ, Minh Kỳ, Hoài Linh, ca sĩ Khánh Ngọc, nghệ sĩ Kim Cương, "quái kiệt" Trần Văn Trạch.

Từ đó, ông tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội khắp miền Nam. Năm 1958, ông trở thành trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian trên đài phát thành Sài Gòn, và sau đó là trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua văn nghệ toàn quốc với sự tham dự của 40 Đoàn văn nghệ khắp miền Nam. Sau chinh biến năm 75, hàng loạt nhạc sĩ, ca sĩ nổi danh của miền Nam Việt Nam lũ lượt rời bỏ quê hương để tìm đường sang hải ngoại.

Thậm chí, không ít người đã mạo hiểm cả mạng sống và chọn cách vượt biên, nhằm mục đích rời khỏi Việt Nam dưới chế độ mới. Với Nguyễn Văn Đông, nếu muốn sang hải ngoại, ông có nhiều lý do hơn bất kỳ người nào khác. Không chỉ chứng kiến những thành tựu đồ sộ mà mình gây dựng nên tan thành mây khói, mà vì cấp bậc đại tá trong quân lực VNCH, Nguyễn Văn Đông còn phải đi học tập cải tạo trong khoảng 9-10 năm.

Nếu là ông, có lẽ nhiều người đương thời sẽ chọn cách căm phẫn chế độ mới và tháo chạy khỏi Việt Nam ngay khi có thể. Nhưng Nguyễn Văn Đông, thì không. Ngay cả khi Mỹ tổ chức chương trình Ra đi có trật tự (ODP), cho phép người Việt Nam tỵ nạn nhập cảnh vào quốc gia này, Nguyễn Văn Đông vẫn quyết định sống cuộc đời còn lại của mình trên mảnh đất quê hương.

Dù sự nghiệp nghệ thuật đã tiêu tan, nhưng có lẽ ông vẫn cảm thấy mãn nguyện vì khát khao của mình đã trở thành hiện thực: đất nước đã thống nhất, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ. Và hơn hết, khác với nhiều người đương thời, ông biết rõ đâu mới là giặc. Cho đến tận cuối đời, hằng ngày Nguyễn Văn Đông vẫn phụ vợ bán bánh mì vào mỗi buổi sáng tại nhà riêng ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận.

Ông sống lặng lẽ, khép kín, ít tiếp xúc với công chúng, chỉ nhận lời gặp thân hữu. Các trung tâm hải ngoại cũng nhiều lần mời ông sang để làm chương trình, nhưng cho đến khi lìa trần vào năm 2018, ông vẫn không xuất hiện trong bất kỳ chương trình nào của họ.

Nguồn: Huỳnh Trung Phong/ Group Maybe You Missed This F*cking News

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay