Rêu là loài thực vật trên cạn xuất hiện đầu tiên trên trái đất và có mặt khắp các lục địa, quốc gia. Dù nhỏ bé nhưng chúng có rất nhiều công dụng và cũng có những vẻ đẹp rất riêng không loài nào có được. Rêu là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo ra đất đầu tiên. Chúng được xem là nhóm thực vật tiên phong, mở đường cho sự bành trướng của các nhóm thực vật trên cạn từ khi sự sống trên cạn bắt đầu, tạo điều kiện để các loài thực vật, động vật từ nơi khác xâm chiếm. Chúng có kích thước từ 0,2–10 cm, có một số loài lớn hơn như Dawsonia, cây rêu cao nhất có thể lên đến 50 cm.
Rêu phát triển khắp nơi, tạo thành cụm, thảm, mảng bám ở những nơi ẩm, có bóng râm. Rêu không có hoa và không sinh ra hạt, sinh sản nhờ các bào tử. Ở các loài thực vật khác, nước và chất dinh dưỡng được dẫn trong các mô dẫn. Ở rêu, thân, rễ, lá đều là những bộ phận giả. Đó chỉ là tập hợp của một khối tế bào duy nhất chưa có sự chuyên hoá rõ về chức năng, thiếu các mô dẫn nước và chất dinh dưỡng chuyên biệt nên chúng lấy nước, chất dinh dưỡng trực tiếp qua tế bào. Rêu cung cấp dưỡng khí nhiều hơn tất cả các cây trên trái đất. Cùng diện tích, hiệu quả cung cấp oxy của rêu cao gấp 80 lần.
Rêu có giới hạn tiếp xúc với ánh sáng (quang hợp) rộng hơn bất kỳ loài thực vật nào, từ trong hang động có ánh sáng yếu ớt tới các đỉnh núi cao hoặc sa mạc. Rêu hiện nay được xếp trong ngành Bryophyta. Có hơn 12.500 loài rêu khác nhau đã được công nhận trên thế giới. Rêu đã được sử dụng rất sớm trong các nền văn minh trên thế giới từ hàng ngàn năm qua với các ứng dụng như nhồi gối, tã, băng vết thương. Rêu còn được dùng làm vật liệu cách nhiệt cũng như trong các ứng dụng hấp thụ chất lỏng, do khả năng hấp thụ chất lỏng của nó có thể tới 20 lần trọng lượng của chính nó. Tại nhiều nước như Ấn Độ, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp, Trung quốc… rêu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Nhờ khả năng hấp thụ tốt những chất độc hại và thấm nước tốt, rêu được dùng làm thành phần chính của than bùn, than làm từ rêu được sử dụng như một chất lọc hiệu quả, dùng xử lý nước thải chứa nhiều kim loại nặng hay xử lý các sự cố tràn dầu, điển hình là nhóm Rêu Sphagnum. Rêu còn được sử dụng như một nguồn nhiên liệu sản xuất các khí đốt như hydro, etylen, methanol, khí gas thiên nhiên... Ở những nơi cây thân gỗ hiếm hoi, rêu được ứng dụng cả trong xây dựng, tạo ra các sản phẩm gia dụng như chiếu, tấm cách điện, nệm, làm chất bảo quản thực phẩm, diệt công trùng… Ngoài ra, nhiều loài rêu được phát hiện chứa các chất có hoạt tính sinh học cao, nên rêu được ứng dụng nhiều trong y dược, dùng phổ biến ở Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, khoảng 30-40 loài rêu được dùng làm thuốc, trong đó phổ biến như loài Rhodobryum giganteum được sử dụng trị các bệnh thần kinh và tim mạch, loài Polytrichum commune được sử dụng để giảm viêm và sốt, điều trị sỏi thận. Rêu còn có một điểm rất độc đáo: Vào những ngày nắng nóng, rêu thu mình lại, sẫm màu hơn, bỗng nhiên sau một trận mưa, chúng trở nên xanh mượt và đẩy sức sống. Đó là nhờ khả năng sống tiềm sinh của rêu. Là nhóm thực vật sống cần độ ẩm cao, khả năng giữ nước trong cơ thể không tốt, do đó khi môi trường khô, lá rêu co lại chuyển sang trạng thái sống tiềm sinh và chờ đến khi điều kiện môi trường thuận lợi, chúng lại tiếp tục chu kỳ đời sống.
Với đặc điểm này, rêu trở thành loài chỉ thị các biến đổi về độ ẩm của môi trường. Những người làm vườn cũng có thể lợi dụng điểm này để nhận biết vườn đang thiếu độ ẩm hay không tại các thời điểm trong ngày, từ đó kiểm soát độ ẩm trong vườn tốt hơn. Rêu cũng được sử dụng để trang trí các vườn hoa, cây cảnh… Thi thoảng, bạn cũng có thể thể thấy những cọng tơ mọc lên từ đỉnh của thân rêu, phần đầu cọng phù to lên. Đó chính là phần làm nhiệm vụ sinh sản của rêu, một cấu trúc khác biệt, đặc trưng nhất để phân biệt rêu với các nhóm thực vật khác. Tùy những loài khác nhau mà phần này có hình dạng, màu sắc khác nhau tạo nên những nét đẹp riêng chỉ có ở nhóm rêu.
Rêu còn có thể điều hòa nhiệt độ, độ ẩm ở nơi chúng tồn tại, chống xói mòn tại các sườn dốc, tích trữ chất hữu cơ và khoáng chất cho đất, tạo điều kiện thuận lợi cho hạt của các loài cây khác nảy mầm. Chính nhờ các đặc điểm này, nhiều nước trên thế giới, nhất là Nhật, đã ứng dụng rêu trong nghề làm vườn từ nhiều năm nay. Dù có kích thước nhỏ bé, rêu cũng có những vẻ đẹp riêng, không kém phần rực rỡ, chúng có những nét đẹp và những đặc điểm rất kỳ thú. Trong lĩnh vực cây cảnh, rêu ngày càng được ứng dụng nhiều hơn. Rêu được dùng làm giá thể trồng Lan như Sphagnum trong trồng Lan Hồ Diệp, hoặc như nhóm thực vật tạo phông nền, trồng làm lớp phủ mặt đất trên chậu bonsai, non bộ, tiểu cảnh… thay vì để đất trống hay dùng đá sỏi rải phía trên.
Rêu sẽ làm tăng thêm vẻ tự nhiên, tôn thêm nét đẹp của cây chủ thể. Rêu không có rễ thật. Tất cả dinh dưỡng nuôi rêu được chúng tổng hợp từ mưa ẩm và ánh sáng mặt trời nên chúng có thể dễ dàng sinh sôi và nảy nở tại bất kỳ khu vườn nào. Nước là yếu tố quan trọng nhất cho rêu phát triển nhưng chúng vẫn có khả năng chịu hạn khá tốt. Rễ rêu là rễ giả chỉ làm nhiệm vụ giúp cây bám vào giá thể, không có nhiệm vụ chính lấy chất dinh dưỡng trong đất, nên không cạnh tranh với cây chủ thể, không làm xáo trộn đất.
Nguồn: Thanh Xuyên - hoisvcvn.org.vn