Những điều bí ẩn chưa ai biết về Tòa Thánh Tây Ninh

Có thể bạn chưa biết. Ở Việt Nam có một công trình tôn giáo nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và đặc biệt khi xây dựng không qua một bản vẽ nào.

Tòa Thánh Tây Ninh còn được gọi là Đền Thánh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc trong khuôn viên Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh; cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về phía Đông Nam, thuộc miền Nam Việt Nam. Đây là Tổ Đình, tức cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh.

Đền Thánh là một ngôi đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, để thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo, Tam Trấn và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Theo giáo lý của Đạo Cao Đài thì Tòa Thánh mang kiểu vở của Thiên đình, được gọi là Bạch Ngọc Kinh tại thế, từ việc chọn mua đất đến việc xây cất tạo tác Tòa Thánh về kích thước lẫn hình dáng được Đức Lý Giáo Tông và Đức Chí Tôn chỉ dạy tỉ mỉ thông qua một hình thức thông công cùng các Đấng vô hình là Cơ bút. Khi chọn được địa điểm xây dựng Tòa Thánh, những người khai đạo bắt đầu vận động tín đồ góp công, góp của xây dựng.

Hàng chục ngàn lượt tín đồ từ khắp nơi nghe tin xây dựng tổ đình đã lần lượt kéo về tham gia xây dựng. Ngày khởi công được đánh dấu là 16/3/1927. Tuy nhiên vì nhiều lý do, mãi đến năm 1931, công trình mới chính thức được động thổ. Chỉ huy công trình là những vị trong nhóm khai đạo. Điều đáng ngạc nhiên là, những người trong nhóm khai đạo chưa từng kinh qua kiến thức xây dựng cơ bản. Họ cũng không vẽ trước bản kiến trúc mà xây dựng theo sự hướng dẫn của cơ bút. Căn cứ vào cơ bút thì tổ đình, tức Tòa Thánh Tây Ninh được "đấng bề trên" phác họa thành 3 phần: Bát Quái đài, Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài.

Cả 3 tòa kiến trúc này dính liền với nhau tạo thành Tòa Thánh, chiều ngang 27 mét và chiều dài 135 mét. Sau 3 lần xây dựng dở dang vì nhiều lý do, ngày 14/2/1936 ông Phạm Công Tắc - Giáo chủ đạo Cao Đài - đứng ra trực tiếp chỉ huy công trình. Lần xây dựng thứ 4 này, Giáo chủ Phạm Công Tắc huy động 500 tín đồ nam, nữ lập đàn tuyên thệ đồng trinh giữ tịnh khiết suốt thời gian trực tiếp tham gia xây dựng. Những tín đồ này phải thề không lấy chồng, lấy vợ. Trong suốt thời gian xây dựng, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Xây đến đâu, ông Phạm Công Tắc thiết kế bằng miệng đến đó.

Điều lạ là, rất nhiều người là nông dân chưa từng học qua trường lớp mỹ thuật nào vẫn tạo tác thành công hàng chục ngàn họa tiết điêu khắc, hàng chục bức tượng đạt trình độ mỹ thuật cao. Giai thoại kể rằng, có một số người bị mắc chứng bệnh nan y, nghe tin xây dựng Tòa Thánh, tuy không có trong "biên chế" 500 công thợ xây dựng vẫn đến phụ trợ những việc vặt với ý nghĩ "tạo công quả trước khi chết". Tòa Thánh vừa xây dựng xong phần cơ bản thì ngày 28/6/1941, chính quyền Pháp đưa quân đội chiếm lấy làm doanh trại đóng quân. Giáo chủ Phạm Công Tắc bị Pháp bắt đày đi đảo Madagascar vì "truyền bá dị đạo".

Nhân công xây dựng bị quân Pháp xua ra khỏi Tòa thánh. Mãi đến năm 1946, Giáo chủ Phạm Công Tắc mới được Pháp trả tự do, trở về tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng Tòa Thánh. Có thể nói công trình kiến trúc Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh lộng lẫy, nguy nga như một cung điện. Năm 1947, hàng vạn tín đồ từ khắp nơi kéo về Tây Ninh tham dự lễ khánh thành Tòa Thánh. Không ai biết trong giai đoạn chiếm đóng Tòa Thánh, một đơn vị quân Pháp nhận được từ thượng cấp mật lệnh chôn một khối thuốc nổ 100kg (có tài liệu cho rằng 1.000kg) dưới nền Chánh điện. Mãi đến năm 1956, người ta mới phát hiện điều này qua mục Courriers des lectuers (chuyên mục dành cho độc giả viết) của Tuần báo Paris Match.

Tác giả bài báo là ông Roubaud - nguyên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng một đơn vị bộ binh Pháp. Bài báo cho biết, năm 1944, tiểu đoàn ông nhận được lệnh tiếp quản Tòa Thánh từ một tiểu đoàn chiếm đóng trước đó. Ông Roubaud viết: "Tôi có đọc một bài phóng sự của quí báo về tôn giáo Cao Đài làm tôi nhớ lại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, nơi mà chúng tôi từng nhận lệnh chiếm đóng. Trước đó, một tiểu đoàn đã được phái vào chiếm đóng Tòa Thánh để thực hiện một kế hoạch bí mật. Đó là chôn một khối thuốc nổ 100kg dưới nền Tòa Thánh để khi quân đội Nhật vào chiếm đóng Tòa Thánh, sẽ cho nổ khối thuốc nổ ấy để tiêu diệt.

Chôn xong khối thuốc nổ, đơn vị này nhận được lệnh đi làm nhiệm vụ khác. Đơn vị của tôi được cử đến thay thế. Khi tôi cùng tiểu đoàn của mình đến đây tiếp quản Tòa Thánh, viên sĩ quan chỉ huy làm biên bản bàn giao nhiệm vụ. Không rõ vì nguyên do nào mà trong biên bản bàn giao ấy, ông ta không nhắc đến nhiệm vụ kích hoạt khối thuốc nổ sau khi quân Nhật chiếm đóng. Tôi cũng không nhận được lệnh ấy từ thượng cấp trực tiếp. Đơn vị của tôi cũng là đơn vị cuối cùng đóng quân tại Tòa Thánh, trước khi rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam. Vì vậy, tôi tin rằng khối thuốc nổ ấy vẫn còn nằm ở đó.

Vậy, hôm nay, qua quý báo (Paris Match), tôi xin loan báo cho Hội Thánh Cao Đài biết rõ tin này. Tôi sẵn sàng chỉ chính xác địa điểm chôn khối thuốc khi nào Hội Thánh Cao Đài liên lạc với tôi". Thời điểm này, ông Nguyễn Văn Tất (nguyên Tỉnh trưởng Tây Ninh thời Nguyễn Văn Thiệu) đọc được bài báo này có báo với Giáo chủ Phạm Công Tắc (Đức Hộ pháp) và đề nghị đào lên. Mãi đến năm 1964, ông Tất mới cho người bí mật đào đường hầm từ bên ngoài xuyên vào nền Tòa Thánh lấy khối thuốc nổ ra. Vì chuyện này, có dạo râm ran trong tín đồ tin đồn: "Dưới nền Tòa Thánh là… đường xuống địa ngục".

Henri Regnault trong một hội nghị về Thần Linh Học tại Lausane, Thụy Sỹ (1948) đã cho rằng: “Trong tôn giáo Cao Đài, nghệ thuật có một vị trí rất quan trọng. Kiến trúc trong và ngoài Đền Thánh có một vẻ đẹp mỹ thuật đáng được chú ý đặc biệt.” Thật vậy, Đền Thánh có kiến trúc kết hợp giữa Âu và Á. Với hai lầu chuông trống cao như tháp chuông nhà thờ phương Tây, nhưng Đền cũng có mái lợp uốn cong nhẹ, mái kép kiểu “trùng thiềm điệp ốc” của phương Đông (HÌNH 20). Chính giữa mặt tiền và ở trên nóc có tượng Đức Di Lặc ngự trên tòa sen ... đã cho thấy triết lý Đạo Cao Đài có nguồn gốc từ Phât giáo cổ xưa và nay giữ nhiệm vụ phổ độ chúng sanh trong kỳ hạ nguơn này.

Dãy cột rồng và hoa sen ở ngay cửa chính báo tin Long Hoa Hội do Đức Di Lặc chưởng quản sẽ khai diễn tại nước Việt Nam. Bên ngoài Đền Thánh nhìn lên Nghinh Phong Đài có hình vòm cong, thường thấy trong kiến trúc của các nhà thờ Ấn Độ và Trung Đông. Tuy được kết hợp bởi các lọai hình kiến trúc Âu Á khác nhau như thế nhưng Đền Thánh vẫn nổi bật nét văn hóa Việt với Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng và hình ảnh hoa sen. Khi du khách đến viếng Đền Thánh, ấn tượng đẹp đầu tiên đến với họ là khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc xây dựng với thiên nhiên xung quanh. Công trình kiến trúc này vừa mang dấu ấn Dịch lý và triết lý tôn giáo ẩn chứa bên trong, vừa có vẻ đẹp hài hòa, kết cấu bền vững.

Được cất từ những năm 30, 40 của thế kỷ XX nhưng các người thợ xây dựng đã sáng tạo bê tông cốt tre, đã biết dùng mái bê tông giả ngói với mái cong ba tầng. Các ngăn đều có hình ảnh long giáng tạo nên vẻ thanh thoát. Các cột được đắp hình rồng, sen khiến công trình không còn đơn điệu. Gió và ánh sáng cũng được chú ý để tràn ngập trong Đền sự thoáng mát, không lo đến sự ẩm thấp. Tóm lại, trong vùng Đất Thiêng (cuộc đất được coi là Lục Long phò ấn), không có máy móc, không một kiến trúc sư hay một kỹ sư xây dựng nào, mà chỉ dưới sự chỉ dẫn của các Đấng Thiêng Liêng, những người thợ xây dựng nghèo khó, ít học và giàu đức tin đã hoàn thành một kiệt tác kiến trúc ẩn chứa bao nhiêu điều mầu nhiệm về bí pháp.

Đền Thánh Tây Ninh thực sự là một kỳ quan, một di sản văn hóa của nhân loại. Cao Đài là một tôn giáo lấy triết thuyết Nho, Lão, Thích làm nền tảng. Tín đồ chủ trương "sống thiện, tuân pháp", tức làm việc thiện và tuân thủ pháp luật. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đông đảo chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của tín đồ, một số thế lực thù địch đã nhiều lần trà trộn, dùng thủ đoạn thâm độc hòng chia rẽ nội bộ tôn giáo, tạo hình ảnh xấu cho đạo Cao Đài.

Với chủ trương "gạn đục khơi trong, làm trong lành môi trường tín ngưỡng để tín đồ yên tâm tu hành", chính quyền ta đã nhiều lần phá vỡ những âm mưu, thủ đoạn đê hèn đó. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt và lâu dài, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh tính mạng để ngày nay đạo Cao Đài trở thành một tôn giáo thuần túy tín ngưỡng. Trải qua nhiều sóng gió biến động suốt hơn 3 /4 thế kỷ qua, Tòa Thánh trở thành điểm hành hương của khoảng 5 triệu tín đồ ở khắp hành tinh và là điểm tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với nhiều du khách quốc tế. Rất nhiều tạp chí kiến trúc nước ngoài đã viết bài giới thiệu và ca ngợi công trình Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Và người Tây Ninh, kể cả ngoại đạo cũng xem Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh là công trình kiến trúc đáng tự hào

Nguồn: Trọng Muôn - Tổng hợp

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay