Đã 30 năm kể từ khi Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA phóng tàu vũ trụ tới thăm sao Kim, hành tinh cách mặt trời 108,2 triệu km. Sao Kim thường được coi là một hành tinh song sinh với Trái đất, bởi cả hai đều ở khoảng cách đủ gần với Mặt trời để có thể đắm mình trong sức nóng của nó. Tuy nhiên, thực chất đây lại là một cặp "song sinh ác quỷ", bởi sao Kim và Trái đất là hai thế giới phân tách theo một cách cực đoan.
Gần đây, NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã công bố ba tàu vũ trụ mới sẽ phóng lên sao Kim vào khoảng năm 2030. Các sứ mệnh này sẽ hứa hẹn mang tới một bản nâng cấp lớn về hệ thống kiến thức của chúng ta về hành tinh này. Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu một số khía cạnh rất kỳ lạ của sao Kim, khiến nó trở thành mục tiêu thú vị cho các tàu thăm dò khoa học.
Sao Kim quay theo chiều kim đồng hồ trên trục của nó, giống như sao Thiên Vương. Còn tất cả các hành tinh khác trong hệ mặt trời đều quay ngược chiều kim đồng hồ khi nhìn từ phía đỉnh cực Bắc xuống. Một giả thuyết cho rằng sao Kim ban đầu quay cùng hướng với các hành tinh khác, nhưng tại một thời điểm nào đó nó đã bị lộn ngược.
Hoặc ban đầu nó quay ngược chiều kim đồng hồ sau đó chậm dần và dừng lại, rồi từ đó quay theo hướng ngược lại. Một giả thuyết khác nói rằng hành tinh này có thể bị va chạm bởi một vật thể lớn, thứ đã buộc nó quay theo hướng khác. Ý tưởng này cũng có thể giải thích tại sao vòng quay của hành tinh này lại chậm đến vậy.
Một ngày trên Sao Kim tương đương với gần 250 ngày Trái đất. Nhưng nó lại quay quanh mặt trời với thời gian tương đương 225 ngày Trái đất. Điều này đồng nghĩa rằng trên sao Kim, "một ngày" sẽ dài hơn "một năm". Nhiệt độ cực cao là đặc điểm mang tính biểu tượng nhất của Sao Kim, cũng là điều mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ.
Sao Kim thậm chí còn nóng hơn cả sao Thủy, hành tinh quay quanh gần Mặt trời hơn. Nhiệt độ trung bình của hành tinh là hơn 850 độ Fahrenheit, hay 454 độ C. Giả thuyết lâu đời cho rằng sao Kim có một bầu khí quyển giàu carbon dioxide, đã giữ lại nhiệt để thiêu đốt hành tinh này. Nhiệt độ bề mặt của sao Kim có thể làm chảy chì và phá hủy các tàu thăm dò không gian trong vòng vài giờ.
Khoảng 80% diện tích bề mặt Sao Kim bao phủ bởi những đồng bằng núi lửa bằng phẳng. Không ai chắc điều gì đã tạo ra những ngọn núi lửa này và liệu chúng có còn hoạt động hay không. Các cấu trúc núi lửa cũng có đủ loại phạm vi và diện tích, từ những ngọn núi lửa hình khiên cao chót vót đến những ngọn núi lửa "mái vòm bánh kếp" nằm bằng phẳng.
Và xen giữa những ngọn núi lửa là các kênh dung nham khổng lồ, khô cạn. Bên cạnh việc giàu carbon dioxide, bầu khí quyển trên sao Kim còn chứa đầy những đám mây axit sulfuric. Nhìn chung, bầu khí quyển của nó dày đến mức chúng ta chỉ có thể có hình ảnh bề mặt của hành tinh này bằng cách sử dụng radar.
Áp suất khí quyển của hành tinh này cũng cao gấp 95 lần áp suất của Trái đất, khiến áp suất trên mặt đất của sao Kim tương đương với áp suất ở độ sâu khoảng 1km dưới nước trên Trái đất. Vì vậy, nếu tới sao Kim mà bạn không bị nướng chín hoặc bị chết ngạt, bạn cũng sẽ bị bẹp dúm. Một vài năm trước, một mô hình khí hậu của NASA cho rằng sao Kim có thể đã từng có những đại dương nước lỏng rộng lớn.
Ý tưởng chung là các đại dương của hành tinh này đã bị bốc hơi khi hiệu ứng nhà kính tồn tại. Tuy nhiên, phân tích một số mẫu đá bazan trên sao Kim đã đưa ra giả thuyết là các đáy nước thực sự là hồ dung nham. Sao Kim sở hữu dạng địa hình tesserae, một dạng địa hình phức tạp về mặt địa chất bao gồm các rãnh và rặng núi trông giống như bị cắt xén thành từng phần.
Hầu hết bề mặt của nó là đá nền núi lửa lộ ra, một số được bao phủ với các lớp đất mỏng và không đều, trái ngược rõ rệt với Trái Đất, Mặt Trăng và Sao Hỏa. Một số địa hình núi lửa có vẻ như là chỉ có trên Sao Kim. Các nhà nghiên cứu cho rằng họ đã phát hiện ra phosphine (PH3)- một loại khí do một số sinh vật tạo ra và do đó được coi là đặc điểm sinh học trong bầu khí quyển của hành tinh này.
Những kết quả đó không thể được lặp lại, nhưng câu chuyện sẽ không thực sự kết thúc cho đến khi những con tàu thăm dò mới nắm được thông tin thêm về thành phần hóa học trong bầu khí quyển hành tinh này.
Nguồn: Pháp luật và Bạn đọc