Sự khởi đầu chuyến lưu đày của vua Hàm Nghi đã được sử triều Nguyễn chép như sau:” Tháng 10, quan Đại Pháp đóng đồn ở Quảng Bình rước Ngài Hàm Nghi về cửa Thuận An; rồi rước lên tàu hỏa qua ở xứ Anh-xe-Nhi (Algérie). Nguyên khi trước, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Định Trình tới đồn Đại Pháp đầu thú, xin dẫn quan Đại Pháp qua miền Thượng nguyên huyện Tuyên Hóa gọi là xứ Thằng Cuộc rước Ngài Hàm Nghi về Cửa Thuận; rồi quan Toàn Quyền tới thông xin rước qua ở xứ khác, đợi khi nào trong nước yên lặng rồi sẽ đưa về. Ngài ngự (chỉ vua Đồng Khánh-LN) truyền quan Cơ mật là Đoàn Văn Bình tới ngay cửa Thuận hầu thăm, về tâu.
Rồi tàu hỏa nhổ neo đi ngay” (Quốc triều sử toát yếu). Một tài liệu do người Pháp viết kể rằng trên đường từ nơi bị bắt đến cửa Thuận An, vua Hàm Nghi cực lực phủ nhận rằng mình là vua, khi được người Pháp hỏi có muốn gặp lại người anh cùng cha khác mẹ là vua Đồng Khánh không, ông quyết liệt nói rằng mình không có anh em nào ở Huế hết. Trên đường đi, người dân hiếu kỳ thấy chuyện không bình thường, xúm lại xem rất đông. Bỗng dưng nhà vua bắt gặp trong đám đông ấy có người thầy học cũ của mình, ông lật đật cúi xuống vái chào, và hành vi này gián tiếp để lộ nhân thân của Ngài, từ đó, nhóm sĩ quan Pháp áp giải Ngài không còn nghi ngờ gì nữa.
Câu chuyện kể cũng là một bài học sâu sắc về tinh thần tôn sư trọng đạo của người xưa. Ngày 12.12.1888, cựu hoàng Hàm Nghi xuống tàu cùng một thông ngôn, một đầu bếp, một người giúp việc, và đặt chân đến Alger ngày 13.1.1889. Về chi phí sinh hoạt của ông, bộ Đại Nam thực lục chánh biên đệ lục kỷ, tập XXXVIII, nêu rõ:” Viên Toàn quyền Lê Na (tức Rheinart-LN) ủy người trình bày: “Quận công Ưng Lịch (tức cựu hoàng Hàm Nghi-LN) đáp tàu sang nước Pháp chữa thuốc, về tiền chi phí hàng năm rất nhiều, nước Pháp chi cấp cũng tiện; duy bên ngoài không hiểu, lại sinh bàn tán, nên do nước ta chi cấp, mới là hoàn toàn chu đáo, ổn thỏa (cấp cả năm, tiền Pháp là 20.000 quan, tính thành bạc là 4.981 đồng và một người đi theo, cấp tiền Pháp 1.200 quan, thành bạc 299 đồng) (tài liệu Pháp ghi có 3 người đi theo-LN).
Cựu hoàng Hàm Nghi khi mới đến xứ sở lưu đày Algérie Nguồn: tạp chí Journal des Voyages 1889
Đợi sau khi Bắc kỳ có lệ thuế nào sẽ nghĩ định ổn thỏa….” (NXB Khoa học xã hội-Hà Nội-1978- trang 148). Tại Alger, thủ đô của nước Algérie, một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi (thu hồi độc lập năm 1963), cựu hoàng Hàm Nghi cư trú ở El-Biar, trong một biệt thự khá tiện nghi có tên là Villa des Pins (tạm dịch: Biệt thự Ngàn thông). Ông sống theo phong cách An Nam, mặc y phục và vấn khăn An Nam, thường xuyên sử dụng tiếng quốc ngữ trong giao tiếp hàng ngày. Năm 1890, nghĩa là chỉ hơn một năm sau khi đến xứ sở lưu đày, cựu hoàng bị bệnh xung huyết phổi nặng, một tháng rưởi sau mới bình phục.
Không lâu sau, ông bắt đầu tập thích nghi với cuộc sống mới. Ông rất thích xe đạp và miệt mài tập cách sử dụng loại phương tiện di chuyển mới mẻ này. Sự hiện diện của ông và loại trang phục “xa lạ” ông mặc gây tạo nhiều cuộc bàn tán của những kẻ ăn không ngồi rồi tại xứ sở Bắc Phi này, nhưng ông không bận tâm đến. Một trong những người được phân công hướng dẫn ông học tập là sư huynh Néopold sau này thường nhắc lại với tất cả sự ngưỡng phục về sự chuyên cần và năng khiếu của ông trong môn toán học. Trong tác phẩm Le Laos et le Protectorat français (Lào quốc và chế độ bảo hộ của Pháp), tác giả Gosselin có nhắc lại những ấn tượng của một nhà địa lý học nổi tiếng tên De Varigny trong lần đến viếng cựu hoàng vào tháng 9.1894:
”Khi ông đặt chân lên cái xứ sở châu Phi thuộc Pháp mà ngay cả cái tên của nó, ông cũng chẳng biết là gì, ông từ chối học ngôn ngữ của những kẻ đang giam cầm ông; bề ngoài ông tỏ ra dửng dưng trước những lề lối cư xử tốt, những thái độ cầu thân và tự khép mình trong sự câm lặng triền miên. Và cuối cùng thời gian đã thắng và đã giúp ông tìm lại những tháng ngày đã mất. Khi bắt đầu học ngôn ngữ, giọng đọc của ông có vẻ xa lạ, cách đọc nhát gừng; nhưng năm sau, những khách đến thăm ông đều tỏ vẻ ngạc nhiên một cách thích thú về cách ông sử dụng tiếng Pháp và sự thông minh trong lối diễn đạt ngôn ngữ này.
Cựu hoàng Hàm Nghi và cô Laloë trong ngày làm lễ đính hôn (1904)
Trong cuộc sống, ông vui sướng khi tìm thấy chung quanh mình những người bạn hiểu và quan tâm đến ông như cựu Thống Đốc Alger Tirman, ông Cambon, ông De V…Chính De V đã chứng tỏ cho ông thấy chỉ có sự học tập và lao động trí óc mới có thể xoa dịu những nỗi tiếc nhớ và là công việc duy nhất phù hợp với cương vị và hoàn cảnh mà Thượng Đế đã ban cho ông…” ((LN tạm dịch từ BAVH-no 3-1941-trang 308). De Varigny cũng nói thêm là cựu hoàng còn có một sở thích tinh tế về âm nhạc và hội họa: “Đối với cựu hoàng, cả hai nghệ thuật này là sự phát hiện bất ngờ về một thế giới xa lạ và những cảm giác không mong đợi.
Ông dành phần lớn thời gian trong ngày ở trong một xưởng vẽ mà sự bài trí biểu lộ một tinh thần ham hiểu biết, khao khát học hỏi và sáng tạo…” (Gosselin- Le Laos ….- trích trong BAVH-no 3-1941-trang 308). Riêng De Sainte-Marie, người gặp ông hầu như mỗi năm, mỗi khi ông đến Vichy để nghỉ ngơi hay dưỡng bệnh, thường nhắc một câu nói của cựu hoàng: ”Lịch sử nước Pháp làm cho tôi say mê, nhưng lịch sử nước tôi cũng đẹp như thế”. Đại úy Pháp Mouteaux, người từng gặt hái những thành tích đáng kể trong thời gian đóng đồn tại Quảng Bình để chống lại các lực lượng kháng chiến của Nguyễn Phạm Tuân và Lê Trực, có kể lại một câu chuyện thú vị. Còn tiếp...
Nguồn: Lê Nguyễn