Trở lại nguồn gốc huyết thống của Bang Cơ, con trai Nguyễn Thị Anh, như trên đã đề cập, ngoài các suy đoán căn cứ vào sử sách, gần đây một số nhà nghiên cứu lịch sử như Phạm Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ (trong tác phẩm “Nhìn lại lịch sử”), đã tham khảo gia phả dòng họ Đinh là con cháu của Quốc Công Đinh Liệt nhà Hậu Lê và phát hiện nhiều bài thơ của chính Đinh Liệt để lại (được công bố trong “Nhìn lại lịch sử”). Các bài thơ này được viết bằng chữ Hán nhưng viết theo kiểu ẩn ý, dùng phép nói lái để người đọc suy đoán rằng: Thái tử Bang Cơ (tức vua Nhân Tông) không phải là con vua Lê Thái Tông.
Đây là một trong những bài thơ ấy: Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa Bất thức hà nhân chủng bảo đa Chủ khảo tống thai vi linh dược Cựu binh tân tửu thịnh y khoa (Ở đây các từ “Nhung tân” còn đọc là “Nhông tân”, đọc lái thành Nhân Tông, tức Bang Cơ, con Nguyễn Thị Anh; ”Tống thai” là Thái tông, “Thịnh y” còn đọc là “Thạnh i”, đọc lái là Thị Anh). Bài này tạm dịch: Nhân Tông sáu tháng đã khai hoa Dòng máu ai đây quý báu à? Núp bóng Thái Tông làm linh dược Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha. Câu đầu “Nhân Tông sáu tháng đã khai hoa” ám chỉ Nguyễn Thị Anh mới vào cung 6 tháng đã sinh Bang Cơ.
Vẫn theo cuốn sách đã dẫn, trước khi vào cung, Thị Anh đã gian díu với Lê Nguyên Sơn, một người thuộc họ xa của dòng dõi Lê Khoáng (cha Lê Lợi). Biết Ngọc Dao sinh con trai mà ngày càng nhiều người đồn đại về dòng máu của Bang Cơ, nhân lúc con mình còn đang ở ngôi đương kim Thái tử, Nguyễn Thị Anh chủ động ra tay trước. Nhân dịp vua Thái Tông đi tuần du biết thế nào cũng về thăm Nguyễn Trãi, lại có Nguyễn Thị Lộ cùng theo xa giá, sợ Nguyễn Trãi và Thị Lộ gièm pha, nói ra bí mật của mẹ con mình (Nguyễn Trãi đã biết việc này do Đinh Phúc, Đinh Thắng mách, nhưng cứ chần chừ chưa dám nói với Thái Tông).
Và nói tốt cho Tư Thành, nên bà ta đã bí mật sai người đi theo ám sát Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi để trừ hậu họa. Bà ta biết, sau khi Thái Tông mất, nghiễm nhiên con trai bà ta là đương kim Thái tử sẽ lên nối ngôi (mới chưa đầy 2 tuổi), và bà ta sẽ nắm quyền nhiếp chính, có quyền khép Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và cả gia quyến ông vào tội chết. Sau khi phát tang Thái Tông, Bang Cơ làm lễ đăng cơ trước linh cữu, lấy hiệu là Nhân Tông, Nguyễn thị Anh được phong thái hậu, quyền nhiếp chính. Theo sử sách, ngày mồng 9 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1442), chỉ ít ngày sau khi hành quết gia tộc Nguyễn Trãi, triều đình (mà thực chất là Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính).
Ra lệnh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì trước khi chết, Nguyễn Trãi có than rằng “hối không nghe lời Thắng và Phúc” (tố cáo Nguyễn Thị Anh với thái Tông). Và cũng chính bởi thân thế của Lê Nhân Tông (Bang Cơ) có phần “không chính”, nên 17 năm sau, năm Kỷ Mão (1459), con trưởng (nguyên là Thái tử bị Thái Tông phế truất) là Lê Nghi Dân lấy lý do đó để làm binh biến giết hai mẹ con Nguyễn Thị Anh. Trong bài chiếu lên ngôi, Nghi Dân nói rõ: “…Diên Ninh (tức Nhân Tông) tự biết mình không phải là con của tiên đế (tức Thái Tông). Song dù sao đi nữa, chuyện Bang Cơ có phải con vua Thái Tông thực hay không.
Nhưng cũng như Tần Thủy Hoàng (Doanh Chính), ngôi chính của ông đã định, bởi thế những người phản lại như Lê Nghi Dân nhà Lê hay tướng Phàn Ô Kỳ nước Tần vẫn bị coi là trái lẽ. Để rồi sau đó, các triều thần như Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lê Khắc Phục, Lê Lăng…khởi sự giết Nghi Dân, đưa hoàng tử Tư Thành, con của bà Ngô Thị Ngọc Dao lên ngôi báu, tức vua Lê Thánh Tông, một vị vua anh minh bậc nhất triều Lê và các triều đại phong kiến Việt Nam, được đánh giá là “võ công, văn trị hơn hẳn mọi đời”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về ông: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dù Vũ đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được!”.
Và, chính bậc minh quân này, 22 năm sau, năm 1464 đã là người minh oan cho Nguyễn Trãi, song vụ thảm án oan trái Lệ Chi Viên thì không bao giờ khép lại. Như vậy, qua các phân tích lô-gic trên đây, hung thủ của vụ án đã khá rõ: Đó chính là Nguyễn Thị Anh, song “hung thủ” sâu xa là sự tranh giành quyền lực, thanh trừ lẫn nhau giữa các phe phái trong nội bộ triều đình, mà hậu quả lại đổ lên đầu bậc trung quân ái quốc, một lòng vì nước, vì dân, một “khai quốc nguyên huân “số 1 của triều đình, người đã cùng Thái tổ Lê Lợi vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai, người đã viết lên bản Anh hùng ca bất hủ “Đại cáo bình Ngô” – Bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc.
Vua Lê Thanh Tông.
Nguyễn Trãi đã chết oan bởi lòng trung nghĩa, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định. Hậu thế 600 năm sau, cần chiêu tuyết… *Chiêu tuyết có nghĩa là rửa sạch oan ức* Sau thảm án Lệ Chi Viên, có nhiều huyền thoại do triều đình (mà đứng đầu là Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính) dựng lên nhằm xoa dịu, che đậy tội ác của họ, như có chuyện rằng: Lúc Nguyễn Trãi còn dạy học có dự định cho học trò phát hoang khu vườn, đến đêm nằm mơ thấy một người đàn bà với bầy con dại tới xin ông cho thư thả ít hôm mới dọn nhà vì con mọn. sáng ra khi học trò của ông phát vườn nhà thì đánh chết một bầy rắn con, con rắn mẹ bị đứt đuôi nhưng chạy thoát, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa của giấc mơ.
Ông than thở, cho chôn bầy rắn con và cho biết là loài rắn thường hay thù dai, thế nào cũng trả thù ông. Đêm đó, lúc ông đọc sách thì đột nhiên có một giọt máu rơi vào đúng vào chữ “đại” (“đời”), ông lật nhanh thì thấm qua ba lớp giấy (tức là “tam đại” – ba đời), ứng với việc sau này gia tộc ông bị hại đến ba đời. Nhìn lên xà nhà thì thấy một con rắn bị đứt đuôi, bò đi mất. Ngày sau con rắn đó hóa thành bà Nguyễn Thị Lộ dụ dỗ ông, khiến ông bị tru di tam tộc. Truyền ngôn còn nói rằng, khi Thị Lộ bị xử tội dìm xuống sông, bà ta biến thành con rắn bơi qua sông. Ngày đó, dân ta còn mê tín, nhiều người tin là thật, nhưng với thời đại khoa học ngày nay, thì chuyện đó là hoang đường.
Nhiều tài liệu lại cho rằng: Do quá si mê sắc đẹp của Nguyễn Thị Lộ, mà vua Thái Tông lúc đó mới 15 tuổi, Thị Lộ đã 38 tuổi, vẫn muốn giữ Thị Lộ (vợ lẽ của một lão thần tiền triều) ở bên mình để “hầu hạ” dưới cái vỏ bọc chức Lễ nghi học sỹ”. Rồi khi đi tuần du, (lúc này vua 20 tuổi, Thị Lộ đã 43 tuổi) cũng phải đem Thị Lộ theo hầu. Khi ở Côn Sơn về đến vườn vải (Lệ Chi Viên), nhà vua đã “thức suốt đêm với Thị Lộ, rồi đột ngột băng hà” (ý ám chỉ vua cùng Thị Lộ có mối quan hệ “chăn gối” quá mức, dẫn đến mắc chứng “mã thượng phong“ mà chết. Ngay cả Đại Việt sử ký toàn thư do Sử thần Ngô Sỹ Liên triều Lê soạn, khi nhận định về Thái Tông cũng viết:
Tranh vẽ Nguyễn Thị Lộ
“…Song, (vua) ham mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở ngoài, là tự mình làm vậy”. Và, sau khi Thái Tông băng, lời bàn ở đoạn kết cuối đời Lê Thái Tông, ĐVSKTT cũng chua một cách bàng quan rằng: “Nữ sắc làm hại người quá lắm thay. Thị Lộ là một người đàn bà mà thôi, Thái Tôn yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư?”. Theo tôi, nhận định này khá vội vàng, thiếu tình người, không công bằng, và mang nặng định kiến. Điều này thực ra cũng khó minh oan cho Nguyễn Thị Lộ. Song theo tôi, cái gọi là “mọi người đều nói Thị Lộ hầu hạ vua suốt đêm rồi vua đột ngột băng”, nhưng thực ra, lại chẳng có người nào chứng kiến lúc vua hấp hối, băng hà, cũng chẳng có tang chứng, vật chứng gì và chẳng có ai tận mắt chứng kiến Thị Lộ giết vua.
Vậy “mọi người” ở đây phải chăng là những người có thù oán với Nguyễn Trãi, Thị Lộ? Ta có thể hiểu, thực ra, trong khoảng 4 năm từ 1438 đến 1442, nhờ có sự cảm hóa, hướng dẫn của Nguyễn Thị Lộ, mà Thái Tông đã trị vì một cách khoan từ sáng suốt. Sử thần Vũ Quỳnh khen: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một minh quân, khác hẳn trước…Ngài lại thể theo lòng trời đất nuôi sống muôn loài, ban hành “chính sách xót thương bất nhẫn” của bậc đế vương, xử kiện xét tù phần nhiều khoan thứ…”.
Được như thế, phải chăng là nhờ Thị Lộ thường xuyên nhắc nhở Thái Tông về việc nhân nghĩa, cách trị quốc. Còn về sự thân tình, gần gũi giữa Thái Tông và Thị Lộ, thì theo tôi, đó là một tình cảm như “mẹ con” hơn là tình cảm nam nữ. Ta biết rằng, năm 1425, mẹ đẻ của Thái Tông (lúc đó là Hoàng tử Nguyên Long, mới 2 tuổi), bà Phạm Thị Ngọc Trần đã qua đời. Bà tự nguyện làm “vật tế thần” để Nguyên Long được làm Thái tử theo giấc mộng của Lê Lợi. Thái Tông thiếu vắng tình mẫu tử. Nay gặp được Nguyễn Thị Lộ cùng một lứa tuổi với mẹ mình (năm 1438, Thị Lộ đã 38 tuổi, Thái Tông mới 15 tuổi), lại là người từng quen biết, đã chung sống với mẹ mình, đã chứng kiến cảnh mẹ mình hy sinh mạng sống để mình được lên ngôi vua như ngày nay, tự nhiên cậu bé mồ côi mẹ sớm kia không khỏi vô cùng xúc động.
Đền thờ Lệ Chi Viên Thần Nữ tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Thường tình, vào địa vị ấy, ai cũng phải tò mò muốn hỏi cho rành rọt về mẹ mình. Tất cả tình thương đối với người mẹ quá cố, có lẽ nhà vua đã dồn hết vào Thị Lộ, như một người mẹ nuôi, như một người dì ruột, vớt vát lại những gì đã mất mát tuổi ấu thơ. Còn đối với Thị Lộ, bà như một “nhũ mẫu”, bảo ban, dìu dắt “ông vua còn trẻ con” mọi đường từ lễ nghi cho đến việc đối nhân xử thế, trị quốc, với tình cảm của người mẹ. Còn về sau, khi Thái Tông lớn dần lên, 17, 18 rồi 20 tuổi, thì việc sớm tối cận kề với Thị Lộ khó mà tránh khỏi bị tiếng đời dị nghị. Đó là điều mà Ngô Từ cũng như Nguyễn Trãi, Thị Lộ cũng đã thấy, nhưng mệnh vua, phép nước, không thể kháng từ.
Cho nên, nhân cái chết đột ngột của Thái Tông sau một đêm nghỉ ở vườn vải, có sự hầu hạ của Nguyễn Thị Lộ là cái cớ để những kẻ thủ ác vu oan, giá họa cho Thị Lộ. Cả hai giả thuyết: Thị Lộ đầu độc vua, hoặc Thị Lộ ân ái với vua đẫn đến vua đột tử đều có thể khép Thị Lộ, và qua đó, cả gia quyến Nguyễn Trãi vào tội chết. Ngoài tội giết vua, Thị Lộ còn bị mang tiếng là không trong sạch. Năm 1464, sau 4 năm lên ngôi, Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, nhưng cũng chỉ dừng lại ở chỗ truy phong ông tước Tán Trù bá, cho sưu tầm lại các trước tác của ông, tìm lại người con sống sót sau vụ thảm sát là Anh Vũ, cho làm tri huyện, nhưng cũng không đi đến cùng tìm rõ hung thủ đã giết Thái Tông hay nguyên nhân cái chết của Thái Tông, và cũng không “chiêu tuyết” cho Nguyễn Thị Lộ, đó là một điều đáng tiếc.
Tôi nhất trí với khẳng định của Giáo sư Vũ Khiêu: “Ít nhất, bà (Nguyễn Thị Lộ) cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Bà đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của Vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt”. Tôi cũng đồng quan điểm với Giáo sư Đinh Xuân Lâm và nhiều nhà sử học đương đại, chúng ta “cần có sự công khai chiêu tuyết cho bà Nguyễn Thị Lộ. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được”.
Nguồn: Đào Xuân Ánh