Robert R. Garwood (sinh ngày 1 tháng 4 năm 1946) được xác định là quân nhân Mỹ "hợp tác với kẻ thù" trong chiến tranh Việt Nam.
Ngày 28 tháng 9 năm 1965, binh nhất Garwood mất tích cùng với chiếc xe jeep mà anh ta vẫn lái trong căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ ở Đà Nẵng. Các cuộc tìm kiếm đều không mang lại kết quả gì. Vài ngày sau, hai điệp viên VNCH riêng biệt cung cấp 2 báo cáo với nội dung giống nhau: "Việt Cộng" tuyên bố đã bắt sống một quân nhân Mỹ và một xe jeep ở khu vực Cam Hải, cách căn cứ khoảng 11,5 dặm; chiếc xe jeep đã bị đốt cháy. Nhiều năm sau, Garwood khai rằng mình bị phục kích khi lái xe đi đón sĩ quan. Cuối cùng người ta xếp trường hợp này vào diện bị bắt tù binh.
Tuy nhiên, đến ngày 15 tháng 7 năm 1968, đội trinh sát thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ hoạt động gần Phú Bài chạm trán với 1 đơn vị "Việt Cộng" cạnh một ngọn đồi. Theo các báo cáo quân sự, bốn thành viên đội trinh sát cho biết một trong những chiến binh "Việt Cộng" là người da trắng, khi bị bắn rát trong giao tranh đã hét lên với các đồng chí của mình "Giúp tôi!" bằng tiếng Anh. "Chiến binh da trắng" được mô tả là 20–25 tuổi, tóc màu nâu, cao chừng 1,67m, có đôi mắt tròn và nói tiếng Anh rất sõi. Cuộc chạm trán kết thúc với việc nhóm trinh sát rút lui khi mất 1 người. Về sau khi được cho xem ảnh Garwood, tất cả đều khẳng định "chiến binh da trắng" đấu súng với họ hôm đó là anh ta.
Theo một số tài liệu, các tù binh Mỹ cho biết ở trại tù họ thấy binh nhất Garwood mang hình chủ tịch Hồ Chí Minh trong người, nói tiếng Việt rất thạo, thường đeo súng AK47 với lựu đạn, và đọc những bài phát thanh tuyên truyền chống Mỹ trên radio, thậm chí lấy tên Việt là Nguyễn Chiến Đấu.
Theo nguồn phía Việt Nam, Nguyễn Chiến Đấu được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền Nam. Chi đoàn cơ quan binh vận Khu V đã tổ chức long trọng lễ kết nạp cho anh này.
Sau Hiệp định Pari, Garwood được liệt kê là tù binh và xếp vào diện đã trao trả, nhưng đến 1979 anh ta mới quay về Mỹ. Tòa án quân sự Mỹ xét xử với bộ hồ sơ dày 3.833 trang, tội danh là hợp tác với kẻ thù và tấn công 1 tù binh đồng hương trong trại giam. Tuy nhiên cuối cùng Garwood chỉ bị cho giải ngũ chứ không phải ngồi tù ngày nào. Bộ quốc phòng Mỹ xếp anh ta vào diện đào ngũ và cắt mọi khoản trợ cấp. Sau khi Việt-Mỹ bình thường hoá quan hệ, Garwood có sang Việt Nam tìm gặp các cán bộ cũ.