Sếu đầu đỏ - Loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn

Sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii) là một trong những loài chim quý hiếm, nằm cả trong sách đỏ Việt Nam và cả sách đỏ thế giới IUCN.

Sếu đầu đỏ được xem là loài lớn nhất trong họ nhà sếu, cũng là loài chim biết bay cao nhất trên thế giới, với ước tính chiều cao của con chim trưởng thành có thể đạt tới 180 cm, sải cánh tối đa là 250 cm. Tuy nhiên, trọng lượng của loài này không lớn, trung bình rơi vào khoảng 8 đến 10kg, do đó hình dạng chúng trông khá là mảnh khảnh.

Sếu đầu đỏ trưởng thành có bộ lông màu xám ngọc trai, phần má có chùm lông màu trắng, phần dưới hong và quanh gáy có chút lông màu đen. Lông phần đầu cánh cũng có màu đen. Sếu đầu đỏ mặt màu vàng cam, mỏ màu lục nhạt, da trên đỉnh đầu có màu xám lục, da trần ở đầu có màu đỏ tươi. Sếu đầu đỏ phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Ước tính số lượng loài này hiện nay bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn hơn 1000 cá thể. Năm 2018, chỉ phát hiện còn 11 cá thể được phát hiện tại khu vực Tràm Chim, Đồng Tháp. Sếu đầu đỏ là loài vật ăn tạp, nhưng chủ yếu vẫn là củ năng, một loại cây chỉ phát triển ở các vùng đầm lầy ngập mặn. Mỗi độ xuân về, là thời điểm mà cây năng phát triển mạnh và cho củ, sếu di chuyển thành đàn từ Lào và Campuchia về để kiếm ăn, sau đó chúng lại bay trở về để sinh sản.

Ngoài ra, sếu đầu đỏ có thể ăn bất kì các loại thức ăn nào mà chúng phát hiện được như tôm cá nhỏ, côn trùng, rễ cây, lúa, các loài giáp xác và động vật có vú nhỏ. Sếu đầu đỏ sống rất hiền hòa, đoàn kết và chung thủy thường tụ tập với nhau thành những bầy lớn. Do đó, ở một số nền văn hóa, sếu đầu đỏ là tượng trưng cho sự thanh cao và thánh thiện.

Tới tuổi trưởng thành, con đực sẽ tìm và quyến rũ con cái. Chúng kết đôi và sống chung thủy đến hết cuộc đời. Nếu một con mất đi, con sếu còn lại có thể tuyệt thực để đi theo bạn đời. Mùa sinh sản của sếu đầu đỏ vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Cũng giống như các loài chim di trú khác, sếu mỗi năm chỉ đẻ 1 lứa, thường là 2 trứng.

Tuy nhiên, tỉ lệ nở ra và sống sót của con non là rất thấp, thường chỉ 1 con sống sót được đến lúc trưởng thành. Với sếu đầu đỏ, đe dọa lớn nhất của chúng đến từ chính những hoạt động của con người làm cho số lượng của chúng bị sụt giảm. Đầu tiên phải kể đến là môi trường sống, ngày càng bị thu hẹp.

Theo ước tính của vườn quốc gia Tràm Chim, nơi xuất hiện của sếu đầu đỏ ở Việt Nam thì diện tích rừng và đồng cỏ nơi đây đang bị thu hẹp nhanh chóng. Nếu như năm 2009, diện tích đồng cỏ là 1100 ha thì tới năm 2013 chỉ còn 600 ha. Sự sụt giảm về diện tích đồng cỏ này chủ yếu tới từ việc cháy rừng và các hoạt động khai thác của con người.

Diện tích rừng giảm cũng khiến cho số lượng sếu giảm theo. Đe dạo tiếp theo là sự bắt để buôn bán và làm thịt trứng, chim non và chim trưởng thành. Trứng chim sếu non phải đối mặt với sự tấn công của loài quạ và nhiều loài động vật, khiến số lượng chim non được ra đời rất thấp, cùng với việc săn bắt của con người khiến cho số lượng loài sếu càng sụt giảm nghiêm trọng hơn.

Sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng loài sếu về Việt Nam khiến cho các cơ quan chức năng phải vào cuộc để thay đổi tình hình. Nếu như năm 1987 số lượng sếu về rất đông với 1052 con thì tới năm 2018 chỉ còn 11 con. Đây là một tín hiệu rất đáng báo động. Sự sụt giảm số lượng chim di trú về là do môi trường sống bị thu hẹp và nguồn thức ăn khan hiếm.

Tuy nhiên, từ năm 2007 trở lại đây, tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi môi trường sống cho sếu, đồng thời phát triển lại cây cỏ năng, thức ăn chính của loài sếu. Chính nhờ động thái tích cực này mà số lượng sếu về đây hàng năm có xu hướng gia tăng. Tiếp nối thành công này, WWF cũng đang triển khai các hoạt động này ở khu vực Láng Sen, nhằm tạo thêm môi trường sinh sống cho loài sếu đầu đỏ.

Nguồn: 60s.com.vn

Bài viết liên quan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay