Những ngày đầu tháng 6.1862, phái bộ Phan Thanh Giản – Lâm Duy Thiếp đã vào Sài Gòn, thay mặt triều đình Huế ký với Pháp hòa ước Nhâm Tuất ngày 5.6.1862 nhường cho họ ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và đảo Côn Lôn (Côn Đảo). Bù lại, triều đình Huế được phía Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long đã lọt vào tay họ. Trong các cuộc thương thảo, bao giờ phía thất trận cũng gánh chịu phần thiệt hại nhiều hơn. Vua Tự Đức và triều thần ý thức rõ điều này và bàn nhau việc dùng một phần công khố để chuộc lại những vùng đất đã mất.
Ngồi trước từ trái sang: Bồi sứ Ngụy Khắc Đản, Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ.
Sau các cuộc thảo luận, một sứ bộ với các đại thần Phan Thanh Giản (chánh sứ), Phạm Phú Thứ (Phó sứ) và Ngụy Khắc Đản (Bồi sứ) cùng nhiều quan lại khác đã được thành lập, có nhiệm vụ thân hành sang Pháp để bàn việc xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Sứ bộ khởi hành từ Sài Gòn ngày 4.7.1863 trong một hành trình dài qua nhiều cảng, trong đó có cảng Suez mà từ những thập niên qua, một số phương tiện truyền thông đã loan tải một “giai thoại” không có thật về hành động của sứ bộ tại đây.
“Giai thoại” kể rằng khi tàu chở sứ bộ dừng lại tại Suez, do yêu cầu của chính quyền địa phương, sứ bộ phải treo quốc kỳ lên cột buồm, nhưng túng quá, không tìm đâu ra cờ và vải để may cờ, sứ bộ đã mượn tạm chiếc khăn điều gói quần áo của cụ Phan Thanh Giản để làm cờ (!) Trên thực tế, tập Tây Hành Nhật Ký của sứ bộ do Phó sứ Phạm Phú Thứ soạn thảo đã viết khá rõ về trường hợp này: ”Nguyên khi tàu sắp vào cảng thì Lý A Nhe (tên của Đại úy Pháp Henri Rieunier- LN) cho biết rằng:
Tờ báo L'Illustration ngày 3.10.1863 đăng tin và ảnh sứ bộ Phan Thanh Giản đến Paris.
“Đây sang Pháp, những nơi nào sứ bộ đi qua sẽ đều có nổ súng đón chào, vì thế cần phải có cờ sứ bộ trương lên đáp lễ”. Thần đẳng trả lời:”. Chúng tôi hiện chỉ đem theo có lá quốc kỳ”. Viên đó xem xong bảo rằng:” Cờ này về phần màu sắc, lẫn lộn với cờ các nước, sợ khó phân biệt, vậy xin sứ bộ viết thêm mấy chữ của quý quốc vào đó thì hơn”. Thần đẳng nghe viên ấy nói như vậy, bàn nhau lấy ngay tơ đỏ thêu thêm bốn chữ “Đại Nam khâm sứ” vào giữa quốc kỳ và thêu tất cả hai mặt, rồi treo lên cột buồm giữa…..” (Tạp chí Văn Đàn-Sài Gòn- năm 1960 - bản dịch của Tô Nam và Văn Vinh)
Chuyện đã rõ, càng không có việc thiếu vải, vì trong cuộc hành trình, sứ bộ còn nhiều lần mang vải vóc, tơ lụa…làm quà cho những viên chức địa phương đã dành cho họ sự đón tiếp trọng thị. Cuối cùng thì vào ngày 13.9.1863, sứ bộ Phan Thanh Giản cũng đặt chân lên kinh đô Paris của nước Pháp. Đến thời điểm này, bà Nguyễn Thị Sen đã sống trên quê người 38 năm rồi (từ năm 1825). Được tin sứ bộ Việt Nam đã đến Paris, ngày 5.10.1863, bà cùng con gái là Marie Vannier, lúc ấy đã 40 tuổi, thu xếp hành trang, đáp tàu từ Lorient lên thủ đô nước Pháp.
Bà Nguyễn Thị Sen lúc gặp sứ bộ Phan Thanh Giản (1863)
Hai mẹ con thuê chỗ trọ và đợi ngày ra mắt sứ bộ. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong một không khí vô cùng cảm động đã được Phó sứ Phạm Phú Thứ kể lại trong tập Tây Hành Nhật Ký như sau : ... Buổi chiều hôm ấy có người vợ viên quản thuyền Phénix ngày trước, tên là Nguyễn Văn Chấn, nhũ danh là Thị Sen, cùng con gái tên là Ma-Duy (Marie-LN) từ thành Lô-di-ăng (Lorient-LN) tìm tới sứ quán… Khi thấy người bổn quốc, bà ấy không sao nén được mối cảm động, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng.
Bà này cho biết từ khi theo chồng về Tây, thấm thoát đã 37 năm trời, nay bà đã 75 tuổi (Nguyễn Thị Sen sinh năm 1791, đến lúc đó mới 72 tuổi – LN). Lúc chồng còn sống, vốn hẹn có ngày cùng nhau trở lại nước nhà, chẳng may sau khi chồng mất, phần vì mỗi tuổi một già, phần vì các con ngăn cản, thành thử không còn hi vọng về thăm quê cha đất tổ.. “ (Tạp chí Văn Đàn- sđd - Sài Gòn 1960) Trong cuộc gặp đó, bà Sen không quên hỏi thăm sứ bộ về sức khỏe của hai ông Trần Viết Xương và Tôn Thất Thường, từng ghé lại Lorient thăm vợ chồng bà vào năm 1840.
Cô Marie Vannier khi gặp sứ bộ Phan Thanh Giản (1863)
Hai ngày sau (7.10.1863), sứ bộ Việt Nam tổ chức lễ Vạn thọ vua Tự Đức, bà Sen đã cùng con trai trưởng là Michel (Nguyễn Văn Lễ) và con gái là Marie cùng Michel Đức Chaigneau, con trai Jean Baptiste Chaigneau, đến dự. Hai mẹ con bà mặc trang phục vua Minh Mạng ban cho từ những ngày còn ở Việt Nam, được gìn giữ kỹ suốt 40 năm (BAVH – tập 3/1916 – trang 274-275) Sau buổi tiệc, bà Sen cùng các con bịn rịn chia tay cùng sứ bộ. Về quán trọ, hai mẹ con cũng chưa rời Paris vội, còn nấn ná ở lại, chờ đến khi sứ bộ xuống tàu về nước rồi mới đáp tàu lửa trở về Lorient.
Từ đó, bà tiếp tục sống chuỗi ngày xa xứ 15 năm nữa và mất ngày 6.4.1878, thọ 87 tuổi (1791-1878), được an táng cạnh mộ chồng. Tính ra bà Sen đã ở trên đất Pháp 53 năm, dù sống xa Tổ quốc nhưng vẫn luôn mang trong lòng hình ảnh quê hương.
Nguồn: Lê Nguyễn