Tác phẩm về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường

Công ty sách Khai Tâm và nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa giới thiệu với người yêu sử và độc giả cả nước bộ sách gồm hai quyển nhan đề “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn”.

Công ty sách Khai Tâm và nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa giới thiệu với người yêu sử và độc giả cả nước bộ sách gồm hai quyển nhan đề “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn”. Với tổng số hơn 1.900 trang, khổ 18 cm x 27 cm, đây là bộ sách đồ sộ nhất từ trước đến nay viết về một nhân vật lịch sử triều Nguyễn.

Tác giả sách là giáo sư Nguyễn Quốc Trị, nguyên Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh - Sài Gòn trước 30.4.1975, là cháu đời thứ tư của Phụ chánh Nguyễn Văn Tường, một trong những nhân vật lịch sử được đề cập đến nhiều nhất vào thời kỳ đầu Pháp thuộc. Ông cùng với Tôn Thất Thuyết là hai đại thần có nhiều quyền hạn và chịu trách nhiệm lớn nhất trong những biến động lịch sử vào nửa đầu thập niên 1880, sau cái chết của vua Tự Đức (19.7.1883).

Viết về Nguyễn Văn Tường, người ta đã viết rất nhiều, xuất bản sách về Nguyễn Văn Tường, nhiều đơn vị cũng đã làm, song ở tầm mức một công ty sách, việc Khai Tâm phối hợp với NXB Tổng Hợp TPHCM cho ra đời một tác phẩm lịch sử đồ sộ là một việc làm can đảm. Và nặng lòng với lịch sử! Ngày nay, tác phẩm của con cháu các nhân vật lịch sử triều Nguyễn viết về cha ông họ ngày càng nhiều.

Chúng cung cấp nhiều chi tiết sống động, bổ sung vào những mảng lịch sử còn có nhiều chỗ khuyết. Song, ở một khía cạnh khác, tính khách quan và sự công tâm trong cái nhìn của người cùng trong một dòng tộc đôi khi là một thách thức không nhỏ. Hiện còn khá sớm để có thể nhận định về mức độ chân thực trong cái nhìn và sự đánh giá của tác giả Nguyễn Quốc Trị đối với ông tổ 4 đời của ông.

Song có thể nói ngay rằng đây là một trong những tác phẩm phong phú nhất về mặt sử liệu, không chỉ riêng về nhân vật Nguyễn Văn Tường, mà luôn cả một thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử triều Nguyễn, với “bốn tháng ba vua”, với sự kiện thất thủ kinh đô ngày 5.7.1885, và những cuộc kháng chiến Cần vương diễn ra sau đó.

Không kể những sử liệu bàng bạc trong tác phẩm được tác giả viện dẫn để minh họa các sự kiện hay biện minh cho quan điểm của mình, chỉ riêng phần phụ lục của sách đã dày hơn 200 trang, in lại hàng trăm tư liệu xuất phát từ các thư viện, văn khố khó tiếp cận nhất trên thế giới, đã là một “kho báu” đối với các nhà nghiên cứu lịch sử rồi.

Trước hết, chúng ta ghi nhận và hoan nghênh giáo sư Nguyễn Quốc Trị trong nỗ lực tuyệt vời này. Hi vọng trong một tương lai gần, những người yêu mến lịch sử, sau khi nghiền ngẫm hết gần hai ngàn trang sách, sẽ có dịp trở lại để nói lên những nhận xét và cảm nghĩ của mình một cách chi tiết và cụ thể hơn.

Nguồn: Lê Nguyễn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay