Tại sao Nga gọi Trung Quốc là “Khiết Đan’’?

Trong lịch sử địa cầu này, Khiết Đan (hay Khitan) là một trong những dân tộc đã bị xóa tên. Trước đây họ từng lập nên nước Liêu ở Đông Bắc Trung Quốc, tranh hùng với nhà Tống trong suốt một thời gian dài.

Khiết Đan (hay Khitan) là một trong những dân tộc đã bị xóa tên. Trước đây họ từng lập nên nước Liêu ở Đông Bắc Trung Quốc, tranh hùng với nhà Tống trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, lịch sử ghi chép lại sau khi người Nữ Chân nổi dậy lật đổ nước Liêu và lập ra nhà Kim thay thế, thì người Khiết Đan đã bị tiêu diệt trên quy mô lớn. Một bộ phận nhỏ hậu duệ Khiết Đan thì bồng bế nhau sang Trung Á, lập nên nhà Tây Liêu, tồn tại thêm một thời gian thì hòa nhập vào các sắc dân Trung Á. Đó được coi là những ghi chép cuối cùng về dân tộc Khiết Đan này, nước và người Khiết Đan coi như biến mất khỏi lịch sử Trái Đất.

Tại sao Nga và một số nước khác gọi Trung Quốc là "Khiết Đan" - một quốc gia đã biến mất?

Câu trả lời thẳng trực tiếp, thì đó là minh chứng rõ nhất cho ý kiến "khi cái sai lặp lại đủ nhiều thì nó sẽ trở thành cái đúng". Việc Nga gọi Trung Quốc bằng một cái tên không còn tồn tại thực chất là do một sai lầm vào thời kỳ mà hiểu biết về phương Đông ở phương Tây vẫn còn phủ một bóng đen. Những quan niệm sai lầm tồn tại trong nhiều thế kỷ mà không thay đổi, đã trở thành điều được chấp nhận hiện nay.

Đầu tiên, quay lại một chút về lịch sử người Khiết Đan trước khi biến mất. Năm 1125, vua cuối cùng của Liêu là Liêu Thiên Tộ bị quân Kim bắt, nhà Liêu chính thức vong. Tuy nhiên, một đại thần nhà Liêu đã khác tên là Yelü Dashi (Gia Luật Đại Thạch) đã kịp mang khoảng 10 vạn quân dân Liêu, những người không cam chịu bị bức hại dưới tay quân Kim, đã liều mạng băng qua sa mạc Gobi để đi sang phía Tây. Đến vùng Trung Á thuộc nước Kyrgyzstan ngày nay, quân Liêu đã lấn chiếm đất và đánh nhau dữ dội với quân của các Hãn quốc ở đây mà lớn nhất là Đế quốc Seljuk. Năm 1141, quân Liêu đánh thắng quân Seljuk một trận lớn ở Qatwan, chiếm giữ một vùng rộng lớn Trung Á. Từ đó, Gia Luật Đại Thạch lập ra nhà Tây Liêu. Sử Trung Hoa gọi Gia Luật Đại Thạch là Liêu Đức Tông và xếp Tây Liêu và một trong những triều đại được công nhận của Trung Hoa, với tư cách kế thừa nhà Liêu sau năm 1125.

Tóm lại, toàn bộ việc nói ở trên để lý giải cho việc các nước Trung Á hiện tại gọi Trung Quốc là "Kitai" - nghĩa là "Khiết Đan". Việc hậu duệ quân Liêu xâm lược Trung Á vào đầu thế kỷ 12, có thể coi là một trong nhữnglần lớn nhất đến lúc đó, người Trung Á phải đối đầu với một kẻ thù lớn như vậy tới từ phía Đông. Trước đó, dù việc giao thương với phương Đông trên con đường tơ lụa đã có từ lâu nhưng người Trung Á gần như chưa bao giờ biết rõ quốc gia nằm bên kia dãy Thiên Sơn thực sự là gì (ngược lại thì người Arab biết khá rõ do đã đi thuyền trên Ấn Độ Dương tới Trung Hoa từ lâu). Chính vì vậy, khi bị một kẻ thù lớn từ phía Đông xâm lược đầu thế kỷ 12, người Trung Á đã coi những người xâm lược Khiết Đan đó chính là quốc gia lớn ở phương Đông hay nói tới. Nói cách khác, người Trung Á tưởng nhầm người Khiết Đan là Trung Quốc, dù thực tế họ chỉ là một dân tộc ở Đông Bắc Trung Hoa.

Vậy điều này có ảnh hưởng gì tới phương Tây? Nên nhớ rằng những hình dung đầy đủ đầu tiên của phương Tây và phương Đông chỉ thực sự có sau những chuyến đi của Marco Polo vào thế kỷ 13. Vấn đề ở đây, là Marco Polo đã đi từ Ba Tư (cảng Hormuz) đến Trung Quốc (lúc đó có lẽ là thời nhà Nguyên) bằng đường bộ, đi qua Trung Á. Dễ hiểu nếu Marco Polo nghe lại lời kể của người dân Trung Á về một quốc gia phía Đông, mà họ gọi là "Khiết Đan. Chú ý rằng vào thế kỷ 13, nhà Tây Liêu đã bị Mông Cổ tiêu diệt từ lâu, và người Khiết Đan đã không còn tồn tại. Nhưng cái tên "Khiết Đan" vẫn tồn tại trong ký ức người dân Trung Á, khiến họ nhầm tưởng rằng Khiết Đan đó chính là Trung Quốc.

Chính vì vậy, mà trong ghi chép của mình, Marco Polo đã gọi Trung Quốc là "Cathay" - cách viết Latin của người Khiết Đan. Mặc dù vậy, với việc đã đi xa hơn, tới tận đất Trung Hoa, Marco Polo cũng đủ để hiểu ra rằng "Cathay" không phải tất cả Trung Quốc. Nó chỉ đúng với một phần phía Bắc Trung Quốc, mà theo mô tả của người Trung Á là các đội quân du mục thống trị, trước đó là Liêu, Kim và hiện tại là Mông Cổ. Vùng phía Nam Trung Hoa với những sắc dân khác biệt và có nhiều sản vật giống với mô tả xa xưa ở phương Tây, có vẻ như được gọi bằng cái tên khác. Người Ấn Độ và Đông Nam Á gọi Trung Quốc là "Cina". Sau khi tổng hợp lại, có vẻ Marco Polo mang về phương Tây ý tưởng rằng có "2 nước Trung Hoa", phía Bắc là "Cathay" và phía Nam là "Cina".

Dĩ nhiên Marco Polo không thể giải đáp toàn bộ vào thời kỳ ông sống. Nhưng những hình dung về phương Đông mà Marco Polo mang lại đã thôi thúc người châu Âu sau này lên thuyền đi về phương Đông giải đáp bí ẩn về quốc gia "Cathay" hay "Cina" đó (dĩ nhiên cũng là để kiếm thêm châu báu). Và đến thời sau này khi các chuyến viễn dương diễn ra dồn dập, cuối cùng người châu Âu cũng đã tìm ra bí ẩn đằng sau cái tên của Trung Quốc. Rốt cuộc, chỉ có một nước Trung Hoa, chỉ có điều vào thế kỷ 12 nó bị phân liệt giữa nhà Tống với các nước du mục Liêu, Hạ, Kim, Mông Cổ,... Còn đến lúc này, Trung Hoa đã được nhà Minh thống nhất.

Và do vậy, chỉ có một nước Trung Quốc, người phương Tây quyết định gọi nước đó là "Cina" - hay "China" ngày nay. Còn quốc gia "Cathay" mà Marco Polo chép, thực chất là một quốc gia du mục ở Đông Bắc Trung Quốc đã bị diệt vong từ lâu, nhưng do đã xâm lược Trung Á nên khiến người dân ở đây lầm tưởng là Trung Quốc.

Nhưng "phương Tây" nói tới trong các cuộc hải trình thực ra chỉ là các nước Tây Âu mạnh về hàng hải. Phần còn lại của châu Âu - không đâu khác chính là nước Nga và một vài nước Đông Âu trong ảnh hưởng của họ - cho đến tận thế kỷ 18 vẫn không phải là những nước có thế mạnh hàng hải cho những cuộc viễn dương. Do vậy, khi Nga mở rộng về phía Đông để sang châu Á vào thế kỷ 18, họ đi lại con đường cũ mà Marco Polo đã đi - qua Siberia và Trung Á. Và dĩ nhiên, chắc ai cũng đoán được lý do rồi. Người Nga lại nghe người Trung Á kể về nước "Khiết Đan" ở phía Đông đã từng xâm lược họ. Người Nga đi tiếp về phía Đông, tìm thấy Trung Quốc, nhưng lại tưởng nó là "Khiết Đan" mà người Trung Á kể. Dù sao thì cái tên cũng không quan trọng bằng việc khai thác cái bánh ngọt Trung Quốc này, nên người Nga cứ gọi Trung Quốc là "Khiết Đan" - trong tiếng Nga là "Kitai" (Китай).

Đó là lý do tại sao ngày nay, đa phần thế giới gọi Trung Quốc là "China", nhưng Nga, một số nước Đông Âu và Trung Á vẫn gọi Trung Quốc là "Kitai" - nghĩa là "Khiết Đan".

Phạm Đăng - NNCLS

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay