Tâm thần phân liệt được xếp vào một nhóm những rối loạn não ở mức độ nghiêm trọng, đây là một dạng rối loạn phát triển nguy hiểm. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự suy giảm về quá trình suy nghĩ cùng sự thiếu hụt các kỹ năng đáp ứng cảm xúc điển hình. Những người mắc phải chứng bệnh này sẽ thường xuyên gặp phải ảo giác, bị rối loạn cảm xúc, hành vi, trí nhớ không được đảm bảo, một số trường hợp còn xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm.
Khác với rối loạn đa nhân cách, người bị tâm thần phân liệt chỉ xuất hiện ảo giác, họ có thể nghe, nhìn, ngửi thấy những hình ảnh, mùi thơm, sự việc nào đó không có thực. Thực ra đây không phải là một nhân cách khác của người bệnh mà nó chỉ là sự gián đoạn trong suy nghĩ và cảm nhận của họ.
Do cuộc sống gia đình không hạnh phúc, hoặc do tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, stress quá độ hoặc sang chấn tâm lý cũng góp phần thúc đẩy bệnh, dẫn đến có sự thay đổi trong hóa học thần kinh, đặc biệt là thay đổi hoạt động trong các dấu hiệu truyền dẫn dopamine và glutamate. Ngoài ra còn có những vấn đề trong giai đoạn mang thai, chẳng hạn sinh con khi đã lớn tuổi, thiếu chất dinh dưỡng hoặc mẹ dùng một số thuốc làm ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ.
Người bệnh tồn tại các hoang tưởng như tự cao, bị hãm hại, bị chi phối. Họ luôn có cảm giác bản thân có một siêu năng lực vượt trội nào đó hoặc cho rằng có ai đó đang theo dõi và muốn ám sát họ. Bệnh nhân có thể nghe thấy các giọng nói lạ hoặc âm thanh vang lên trong đầu hoặc cứ văng vẳng bên tai. Ảo thanh thường là các âm thanh mang tính chất tiêu cực như tiếng cười nhạo, chửi bới, buộc tội, trách móc,… Khi nghe thấy những âm thanh kì lạ, bệnh nhân cũng có kèm theo một số phản ứng phù hợp như bịt tai, thu mình, quát tháo, la hét, nổi điên,…
Những người mắc chứng tâm thần phân liệt thường luôn ở trong trạng thái lo sợ, hoảng loạn, bất an, họ có xu hướng thu mình lại và không muốn gần gũi, tiếp xúc với bất kì ai. Giảm sự biểu lộ về tình cảm, người bệnh sẽ không có quá nhiều phản ứng tích cực trước những sự kiện vui hoặc cũng không tỏ thái độ ủ rũ trước những vấn đề đau buồn. Một số trường hợp còn có thể phản ứng ngược lại với bình thường, chẳng hạn như cười khi buồn và khóc khi vui.
Bệnh nhân tâm thần phân liệt hoàn toàn không thể tự nhận thức được tình trạng sức khỏe của bản thân. Họ không nghĩ rằng mình bị bệnh và có thể từ chối việc thăm khám bác sĩ, không chấp nhận những lời nhận xét hay chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Người bệnh có nhiều xu hướng tách rời khỏi cuộc sống thực tại và họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Bệnh nhân luôn trong trạng thái sợ hãi, lo lắng, hoang tưởng bởi các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện thường xuyên vào bất cứ lúc nào. Mất đi ý muốn làm việc, họ trở nên thẫn thờ nhưng đây hoàn toàn không phải do sự lười nhác. Người bệnh dường như không thể tiếp tục việc học tập hoặc theo đuổi công việc của mình. Nếu tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn đôi khi bệnh nhân còn không thể tự hoàn thành các công việc đơn giản hàng ngày, kể cả vệ sinh cá nhân.
Nguồn: Tạp chí tâm lý học