Tâm thần và tâm lý khác nhau như thế nào?

Trong cuộc sống thường ngày, bạn sẽ hay gặp được những câu nói như “Cậu có bạn người yêu tâm lý quá!”, “Sếp thật tâm lý!”,... với hàm ý khen người đang nói đến có sự thấu hiểu về tâm tư, nguyện vọng, tính tình của người khác.

Trong cuộc sống thường ngày, bạn sẽ hay gặp được những câu nói như “Cậu có bạn người yêu tâm lý quá!”, “Sếp thật tâm lý!”,... với hàm ý khen người đang nói đến có sự thấu hiểu về tâm tư, nguyện vọng, tính tình của người khác. Nhưng khi nhắc đến “tâm thần”, không ít người lại nghĩ đến những người “điên”, “không bình thường”, “có những lời nói và hành động kỳ lạ”,....

Không biết từ lúc nào, không biết vì lí do gì, “tâm thần” lại mang ý nghĩa có phần định kiến, e ngại như vậy. Mặc dù hai khái niệm mang hai ý nghĩa có vẻ trái ngược, thì khi nói về bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý, khoa tâm thần hay phòng khám tâm lý, chúng ta đều đang nói tới những địa chỉ, những chuyên gia đang làm việc với mục đích hỗ trợ và nâng cao sức khỏe tinh thần cho mọi người.

Với cùng mục đích như vậy, tâm thần học và tâm lý học cũng là hai lĩnh vực có nền tảng, cách tiếp cận và phương pháp không giống nhau. Không ít người cũng sẽ cảm thấy hoang mang khi phải lựa chọn. “Tôi đâu có bị “điên” mà phải vào khoa tâm thần?”. “Mình cũng có thể tư vấn tâm lý cho cậu, sao phải tốn tiền đi gặp người khác?”.

Và rất nhiều suy nghĩ khác bạn chưa thể tự trả lời. Với các trường hợp loạn thần nặng như rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt, khi các triệu chứng cơ thể và tinh thần trở nên nghiêm trọng, khiến người bệnh gần như không thể tiếp tục làm các công việc thường ngày, cũng như không thể tự chăm sóc bản thân, các bác sĩ tâm thần sẽ có thể dùng nhiều phương pháp điều trị thích hợp hơn.

Trong đó, phương pháp dược lý rất phổ biến. Với những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, có căn nguyên tâm lý, hay do người có rối nhiễu coi đó chỉ là vấn đề cá nhân, không muốn sử dụng thuốc vì nhiều lo ngại khác nhau, chuyên gia tâm lý sẽ là một lựa chọn. Ở Việt Nam hiện không tồn tại khái niệm “bác sĩ tâm lý”.

Những người làm việc trong lĩnh vực này không xuất phát từ nền tảng Y khoa như các bác sĩ tâm thần, nên không thể gọi họ là “bác sĩ”. Nhưng cũng đừng quên rằng, dù không thể dùng các phương pháp trong y học, không thể kê thuốc, họ vẫn hoàn toàn có khả năng giúp chữa lành những vết thương tinh thần cho thân chủ của mình bằng các liệu pháp tâm lý - tham vấn.

Vì vậy, lựa chọn bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý thường sẽ dựa vào cảm nhận về mức độ vấn đề của mỗi người có nghiêm trọng hay không. Chuyên gia ở hai lĩnh vực này cũng luôn có thể gợi ý bệnh nhân/thân chủ của mình đến bên còn lại, hoặc cùng phối hợp điều trị nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Đã có nhiều trường hợp người có rối nhiễu đã phải trải qua không ít cuộc gặp với các bác sĩ và chuyên gia tâm lý khác nhau, trước khi tìm được người khiến mình thấy thoải mái và tin tưởng nhất để cùng bước vào quá trình phục hồi.

Nguồn: PSYmate

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay