Thái giám Việt Nam và những chuyện ‘thâm cung bí sử’

Lâu nay, hai từ thái giám không xa lạ với nhiều người nhưng đằng sau đó là những câu chuyện trong hậu cung khiến ai cũng tò mò. Vì thế, cuốn sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn vừa ấn hành có nhiều phát hiện thú vị.

Trước đây, quan niệm của thời phong kiến thì việc sinh hạ được một đứa con đủ điều kiện làm thái giám (hoạn quan) là may mắn, vừa là vinh dự, chẳng những cho cha mẹ đứa bé, mà còn cho cả làng xã sở tại. Không chỉ trong quyền lợi, cha mẹ hoạn quan còn được miễn sưu thuế và được hưởng một khoản trợ cấp bằng tiền thuế của 17 dân đinh gộp lại, mà làng xã địa phương có thái giám cũng được hưởng ân sủng của triều đình do vị quan xuất thân từ làng mình ban phát.

Trong tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn (Dtbooks và NXB Hồng Đức ấn hành), nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho biết: “Ở Trung Quốc, nghề hoạn quan được đề cập đến từ đời nhà Chu (năm 1122 đến năm 256 trước Công nguyên). Ở sách Chu lễ viết, hoạn quan thời này được gọi là Tử nhân hay Yêm doãn, được tuyển vào cung để làm một số việc cần như: truyền chỉ của nhà vua đến các quan lại khác, canh giữ hậu cung, quét dọn đường ốc, liên lạc giữa nhà vua với các cung phi…

Đời Hán, hoạn quan được gọi là Thường thị, đến đời Đường được đổi thành Trung quan”. Còn tại Việt Nam, sách đã dẫn của tác giá Lê Nguyễn cho rằng: “Sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa ăn sâu vào đời sống cung đình, các vua Đại Việt cũng tuyển vào cung nhiều hoạn quan với vô số chức danh khác nhau, tùy từng thời kỳ: đời Lý gọi là Hoạn môn chi hầu, đời Trần gọi là Nội thị, đến đời Lê đổi thành Tả hữu Thái giám.

Thời vua Lê Ý Tông, niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), trong hàng quan lại, ngoài Văn ban và Võ ban, năm 1739, chúa Trịnh Khương (Giang) còn đặt ra một ban thứ ba là Giám ban với các chức danh có phẩm hàm cao chưa từng thấy trong hàng hoạn quan trước đó: Tổng thái giám hàm chánh tam phẩm, Đô thái giám tòng tam phẩm, Thái giám chánh tứ phẩm, Thiếu thái giám tòng tứ phẩm, Đồng tri giám sự chánh ngũ phẩm, Tả hữu thiếu giám tòng ngũ phẩm …và những người này được chọn qua một kỳ khảo thí”.

Qua nhiều tài liệu về thời Lê - Nguyễn có được, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn tiết lộ rằng: “Vào thời điểm đó, hoạn quan không chỉ là lớp quan lại phục dịch trong cung, mà đã trực tiếp tham gia chính sự. Viên chức đứng đầu hàng thái giám (chánh tam phẩm) chỉ kém vế Thượng thư (tòng nhị phẩm, Bộ trưởng ngày nay) một trật; còn chức danh Thiếu giám (tòng ngũ phẩm), vào hàng thấp trong Giám ban, cũng còn cao hơn cả quan Tri phủ tại địa phương (tòng lục phẩm) đến hai trật”.

Theo ký sự của Jean Koffler, một giáo sĩ từng làm y sĩ riêng của chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát vào những thập niên 1740-1750, các viên quan đứng đầu Giám ban giữ những nhiệm vụ hết sức quan trọng, một người quản lý ngân khố triều đình, thu tiền thuế, thanh toán mọi chi tiêu trong cung đình, còn hai người kia phụ trách việc giao thương với người nước ngoài, và chỉ có họ mới được phép bán vàng, sắt, ngà voi … cho thương nhân châu Âu.

Tuy là hoạn quan song vẫn có nhiều thái giám còn làm “đảo điên” việc triều chính. Tác giả Lê Nguyễn kể: "Điển hình là trường hợp Hoàng Công Phụ, một hoạn quan được phong đến tước Hiệp Quận công, đã thao túng việc triều chính, lấn át cả chúa Trịnh Giang, khiến một số quan lại ở Phủ liêu phải đứng lên truất Trịnh Giang, lập em của ông là Trịnh Doanh lên thay và triệt hạ phe cánh Hoàng Công Phụ. Cũng từ đó, Giám ban bị bãi bỏ hẳn, chỉ sau một năm tồn tại".

Thời vua Gia Long đã có những sửa đổi nào đáng kể trong quy chế hoạn quan. Tuy nhiên phải đợi đến ngày 17.3.1836, triều Minh Mạng, nhà vua mới ban hành một chỉ dụ quan trọng nhằm hạn chế tối đa quyền hành của hàng hoạn quan trong triều. Theo chỉ dụ này, hoạn quan phải trở về với nhiệm vụ cố hữu là phục dịch trong cung, không còn được xếp vào cửu phẩm triều đình như các quan lại khác, mà được chia ra 5 hạng riêng:

Hạng nhất (thủ đẳng) gồm Quảng vụ thái giám và Điển sự thái giám; Hạng nhì (thứ đẳng) gồm Kiểm sự thái giám và Phụng nghi thái giám; Hạng ba (trung đẳng) gồm Thừa phụng thái giám và Điển thảng thái giám; Hạng tư (á đẳng) gồm Cung sự thái giám và Hộ thảng thái giám; hạng năm (hạ đẳng) gồm Cung phụng thái giám và Thừa biện thái giám “Tới các triều Đồng Khánh (1885-1889), Thành Thái (1889-1907), cũng có những thay đổi nhỏ trong trong quy chế thái giám, chủ yếu là về lương bổng hằng năm.

Riêng triều Thành Thái, trong cung có 15 thái giám, thì 5 người phụ coi lăng tẩm tiên đế, 2 người phục dịch Hoàng thái hậu, số còn lại lo các việc trong cung cấm. Đến triều Duy Tân, từ năm 1914, tuy triều đình không chính thức bãi bỏ tầng lớp hoạn quan, nhưng từ đó về sau không tuyển mới nữa”, sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn viết.

Nguồn: Thanh Niên

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay