Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ công bố địa điểm xây dựng cây cầu cạn nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman vào tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Saksayam Chidchob vừa tiết lộ hôm 15/3 vừa qua. Theo kế hoạch này, Thái Lan dự định xây dựng hai cảng nước sâu ở hai đầu của một trong những eo đất hẹp nhất đất nước, và sau đó nối hai đầu bằng đường sắt và đường cao tốc dài 100km. Bằng cách này, các tàu chở hàng lưu thông giữa Tây Thái Bình Dương và Trung Đông có thể sử dụng cây cầu cạn như một phương tiện chuyển tiếp để tránh eo biển Malacca ở Singapore - tuyến hành lang biển đông đúc nhất thế giới.
Ý tưởng xây dựng cây cầu cạn nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman để thay thế cho kế hoạch xây dựng kênh đào Kra - được cho là tốn kém hơn - đã được Thái Lan cân nhắc từ lâu nay. Năm ngoái, chính phủ Thái Lan đã phê duyệt một nghiên cứu trị giá 5,3 triệu USD về tính khả thi của cây cầu cạn này. Dự án này cũng phục vụ mục đích đánh giá các tác động đối với môi trường và triển vọng kinh tế của cây cầu. Bên cạnh đó, công ty đường sắt nhà nước Thái Lan cũng được phân bổ 3 triệu USD để nghiên cứu các tuyến đường sắt.
Bộ trưởng Saksayam tiết lộ rằng cây cầu này sẽ được đặt tên là Chumphon-Ranong, đặc biệt hướng tới các chuyến tàu chở dầu từ vùng Vịnh đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự án này sẽ yêu cầu việc xây dựng một cảng nước sâu ở tỉnh tỉnh Chumphon thuộc vùng Vịnh Thái Lan, và nâng cấp cảng nhỏ Ranong ở vùng Biển Andaman thành cảng nước sâu. Hai cảng nước sâu này sẽ được kết nối bằng đường sắt đôi và đường cao tốc. Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải của Thái Lan nhận định:
"Trong tương lai, tuyến đường giao thông và trao đổi hàng hóa này sẽ làm giảm chi phí vận tải bằng cách tránh tuyến thủy lộ đông đúng ở eo biển Malacca". Báo Bangkok Post lưu ý rằng trong năm 2016, có khoảng 19 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển Malacca mỗi ngày - tức là khoảng 24 triệu container mỗi năm. Hiện tại, Singapore là quốc gia hưởng lợi chính từ tuyến thủy lộ này. Ông Saksayam cho biết Thái Lan hy vọng sẽ "nắm bắt" được một phần lưu lượng giao thông đông đúc đó và trở thành "một cửa ngõ trao đổi hàng hóa và vận chuyển xuyên lục địa".
Trước khi có ý tưởng về đường sắt, kể từ thế kỷ 18, Thái Lan đã nhen nhóm ý định xây dựng kênh đào Kra kết nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman. Ước tính chi phí cho dự án này có thể dao động từ 28 tỷ - 66 tỷ USD do cần phải nạo vét liên tục. Chính Bộ trưởng Giao thông Vận tải Saksayam hồi tháng 7/2020 cũng từng thừa nhận rằng việc đào kênh Kra là không khả thi đối với điều kiện của Thái Lan: "Tôi không nghĩ việc xây dựng kênh đào sẽ phù hợp với Thái Lan vì mực nước ở Biển Andaman và Vịnh Thái Lan khác nhau.
Trong kênh sẽ phải xây thêm các điểm chuyển tiếp, như vậy vừa tốn diện tích, vừa mất thời gian". Năm ngoái, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha có vẻ đã tán thành với giải pháp xây dựng đường sắt thay thế cho kênh đào Kra và cho rằng dự án này có thể giúp khởi động sự phục hồi của đất nước hậu COVID-19. Trang Asean Today bình luận rằng đề xuất xây dựng cây cầu trên cạn là một "canh bạc địa chính trị" đối với Thái Lan, và nó có thể có những tác động khác nhau tùy thuộc vào việc liệu Trung Quốc có tham gia trong vấn đề tài chính và xây dựng dự án này hay không.
"Nếu [cây cầu] được xây dựng với sự giúp đỡ của Trung Quốc, nó có thể nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, kết nối với các tuyến đường sắt do Trung Quốc hậu thuẫn và khiến Bắc Kinh ít phụ thuộc hơn vào eo biển Malacca", Asean Today bình luận trong một bài viết. "Nhưng nếu Thái Lan tìm được cho mình các đối tác khác hoặc tự nắm giữ phần lớn quyền kiểm soát dự án, thì đây có thể là đối sách với các kế hoạch của Trung Quốc bằng cách tăng cường hội nhập thương mại khu vực mà không cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh", theo ASEAN Today.
Nguồn: Doanh nghiệp & Tiếp thị