Ngoài được ưu ái ban tặng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, Sapa còn có một loại đặc sản “kinh dị” mà không phải ai cũng dám nếm thử khi du lịch Sapa, đó chính là Thắng Cố, món ăn truyền thống của người Mông, là món ăn được đồng bào thiểu số vùng Tây Bắc ưa chuộng.
Đến giờ, ở các bản làng người Mông vẫn hay kể lại cho con cháu mình rằng ngày xưa khi bị người phương Bắc đánh đuổi, người Mông phải di cư xuống phía Nam. Khi người Mông đói lả đi, không có gì ăn nữa thì bỗng có một con ngựa xuất hiện nói: “hãy thịt tôi, lấy da tôi để làm chảo, lấy thịt của tôi nấu thành món ăn”. Lúc đó, người Mông không có gì ăn đành mổ con ngựa đó, họ dùng da ngựa làm chảo. Nhờ có con ngựa đó, người Mông đã vượt qua được sông sâu để sang phương Nam sinh sống bình yên.
Là món ăn đã có từ 200 năm trước. Mặc dù có rất nhiều biến thể về nguồn gốc và tên gọi của món ăn, nhưng Thắng Cố có nguồn gốc từ dân tộc Mông và nó dần lan sang các dân tộc thiểu số khác ở miền núi Tây Bắc Việt Nam. Người ta coi cái tên “Thắng Cố” xuất phát từ cách gọi và cách phát âm của người Mông – “thoảng cổ” có nghĩa là “nồi nước” hay “khấu tha” có nghĩa là “canh thịt”.
Thắng Cố với nguyên liệu chính là thịt những con ngựa quá già không thể làm việc hoặc bị bệnh. Ngựa là phương tiện giao thông chính trong thời gian đó; do đó, bữa ăn với Thắng Cố được coi là một bữa tiệc thịnh soạn và chỉ được phục vụ trong những dịp đặc biệt. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy món ăn này trong thực đơn của hầu hết các quán ăn ở Sapa vì người ta nấu món này không chỉ với ngựa mà còn có cả trâu, bò, lợn…
| Tìm hiểu thêm: Thời tiết Sapa theo từng mùa và những điều bạn cần biết
Để nấu được một Thắng Cố ngon miệng không phải đơn giản mà cần có bí quyết và kinh nghiệm riêng. Đầu tiên người ta mổ thịt con ngựa làm sạch sẽ rồi sau đó chặt tất cả nội tạng của con ngựa ra thành từng miếng nhỏ.
Người dân tộc Mông đang chế biến nguyên liệu chính món Thắng Cố
Phần thịt và xương còn lại của con ngựa người ta cho vào xào lên trên bếp củi, dùng chính mỡ của con ngựa để xào mà không dùng thêm bất cứ một loại mỡ nào khác thì sẽ giúp món Thắng Cố thơm đúng vị hơn.
Khi miếng thịt đã chín cạnh, tiếp tục đổ nước vào chảo ninh cho đến khi sôi trong vòng vài tiếng đồng hồ, khi sôi nồi Thắng Cố sẽ tạo ra bọt người ta sẽ vớt hết bọt ra rồi để cho món ăn được trong hơn, ngọt hơn, và ngon hơn, tiếp tục đun cho đến khi tất cả các bộ phận của con ngựa đã được đun nhừ, du khách sẽ được thưởng thức món Thắng Cố đúng vị thơm ngon khi có thêm các loại rau thơm.
| Xem thêm: “Bỏ túi” 10 điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Sapa
Khi ăn Thắng Cố, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó. Ăn thắng cố phải ăn bằng bát to, mỗi người một đôi đũa gắp chung, không bát con, bên cạnh là một ống tre đựng ớt để chấm, chai rượu và mấy ống tre nhỏ để rót rượu uống.
Do Thắng Cố có mùi và vị rất đặc trưng, vì vậy nước chấm của nó không quá cầu kỳ. Người ăn thường chấm cùng muối trắng hoặc bột canh, tuy nhiên đặc biệt không thể thiếu ớt Mường Khương, một loại ớt bản địa. Đây là món ăn thường được làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ, hay ở chợ phiên.
Sapa có thật nhiều điều khiến du khách ngạc nhiên phải không? Hãy đến Sapa để thưởng thức món ăn đặc sản Sapa – Thắng cố nhé. Du khách chắc chắn sẽ hài lòng với hương vị tuyệt vời của món ăn này đấy.
Tác giả: Lê Như Phương