Việc phân chia giai cấp hay phân định rạch ròi giữa các vị trí với nhau là chuyện đã có từ thời xa xưa và tất nhiên là vẫn hiện hữu cho tới ngày nay. Đỉnh cao của những sự phân tầng xã hội chính là tầng lớp tinh hoa - những người nắm giữ vị trí thống trị trong các thiết chế quân sự, kinh tế và chính trị.
Phân tầng xã hội là một trong những khái niệm cơ bản của xã hội học đô thị. Nó được định nghĩa là sự xếp hạng một cách ổn định các vị trí trong xã hội xét từ góc độ quyền lực, uy tín hoặc các đặc quyền đặc lợi không ngang nhau.
Tháp phân tầng xã hội là việc mô hình hóa cấu trúc phân tầng xã hội. Người ta thường sử dụng các tháp phân tầng, tương tự như tháp dân số, tức là sắp xếp các tầng theo thứ tự từ dưới đáy là các tầng lớp nghèo khổ/hạ lưu lên đến tầng lớp trung bình và trên cùng là tầng lớp giàu có, cùng với tỉ lệ phần trăm mà các tầng lớp này chiếm trong cơ cấu xã hội.
Các loại hình dạng của tháp phân tầng xã hội:
Trong lịch sử, người ta đã loại hình hóa một số kiểu tháp phân tầng đặc trưng cho các xã hội. Các kiểu tháp phân tầng xã hội bao gồm:
Tháp hình nón
Phản ánh mức độ bất bình đẳng cao của các xã hội, ở đó nhóm người giàu, có quyền lực chiếm tỉ lệ rất thấp, trong khi đa số người nghèo khổ lại chiếm tỉ lệ rất cao.
Tháp hình nón cụt
Tầng lớp giàu có tăng lên, tầng lớp trung lưu chiếm tỉ trọng lớn hơn, mức độ bình đẳng cao hơn.
Tháp hình thôi (quả trám/con quay)
Cả hai nhóm giàu và nghèo đều chiếm tỉ lệ nhỏ, nhóm trung lưu chiếm đa số và nằm ở phần thân tháp. Tuy nhiên khoảng cách của hai nhóm đỉnh và đáy tháp còn khá xa.
Tháp hình trụ
Tỉ lệ các nhóm giàu có, nghèo và trung lưu tương đối đồng đều. Tùy vào chiều cao của tháp để nói về mức độ bình đẳng xã hội.
Tháp hình "đĩa bay", thấp dẹt
Có thể có hai trạng thái: bình quân nghèo khổ hoặc xã hội lí tưởng, thịnh vượng toàn dân, với tuyệt đại bộ phận các thành viên của xã hội có mức sống trung lưu và khá giả.
Các kết quả nghiên cứu và khảo sát phân tầng xã hội theo mức sống ở Việt Nam vừa qua cũng thường phân chia thành thành năm nhóm mức sống tính theo tỉ lệ phần trăm và thể hiện thành các "tháp phân tầng" như vật để định dạng và phân tích. Hình dạng thông thường của các tháp phân tầng này là hình thoi. phần giữa thể hiện nhóm giàu có/khá giả còn bé và nhọn; phần giữa phình rộng , thể hiện nhóm mức sống trung bình, với tỉ lệ trên dưới 50%; còn phần đáy thể hiện nhóm mức sống nghèo.
Như đã nói phía trên, tầng lớp cao nhất trong xã hội chính là giới tinh hoa - những người nắm giữ quyền thống trị trong kinh tế, chính trị, quân sự. Sau đây mình xin nêu 6 loại người có trong tầng lớp này theo xã hội nước Mỹ được trích trong cuốn sách Giới tinh hoa quyền lực:
Tầng lớp thị dân 400: thành viên của các gia đình địa phương nổi tiếng trong lịch sử ở các thành phố chính của Mỹ.
Người nổi tiếng: nghệ sĩ giải trí nổi bật và nhân vật truyền thông
Tổng giám đốc điều hành: chủ tịch và giám đốc điều hành của các công ty quan trọng nhất trong mỗi lĩnh vực
Giới điều hành giàu có: các chủ đất lớn và các cổ đông lớn của tập đoàn.
Giới quân phiệt: các sĩ quan quân đội cao cấp, quan trọng nhất là Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.
Giới lãnh đạo chính trị: 50 người đứng đầu cơ quan hành pháp của chính phủ Liên bang, bao gồm các lãnh đạo cấp cao trong văn phòng điều hành của Tổng thống, đôi khi lấy từ các quan chức được bầu của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Tại Việt Nam thì nhiều học giả cho rằng xã hội Việt Nam hiện tại chưa có một tầng lớp tinh hoa nào nhưng việc hình thành một tầng lớp tinh hoa như vậy là một điều tất yếu.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng