Nói về bình đẳng giới hiện nay vẫn còn rất nhiều người trong xã hội loay hoay giữa một mớ phạm trù khái niệm như: bình đẳng giới hay công bằng giới; bình đẳng giới có nghĩa là cào bằng… Có luồng quan điểm cho rằng bình đẳng giới là nam nữ bằng nhau trong mọi vấn đề, mọi công việc, còn công bằng giới là có xét đến đặc tính giới để tạo ra sự công bằng. Cũng lại có luồn quan điểm đảo ngược lại hai khái niệm ấy theo nghĩa bình đẳng giới mới chính là có xét đến đặc tính giới để tạo ra sự bình đẳng…
Nói chung là tranh cãi không hồi kết. Nhưng thu hút nhất vẫn là câu hỏi: Bình đẳng giới có nghĩa là cào bằng? Điều này có nghĩa nếu phụ nữ làm việc nhà, đàn ông cũng phải vào bếp, đàn ông đi chơi về muộn thì phụ nữ cũng được quyền đó, đàn ông mặc quần sooc cởi trần ra đường, phụ nữ cũng mặc được thế…
Cách đây không lâu tôi được xem một bộ phim tài liệu về một người phụ nữ khá nổi tiếng trong xã hội Việt Nam. Cảnh đặc tả về bà gây ấn tượng nhất đối với người xem là bà vừa là một phụ nữ thành đạt chính trường cũng như đảm đang trong bếp. Như mọi khi, lại có ngay hai luồng tranh luận nẩy lửa.
Bên thứ nhất bảo rằng: sở dĩ phụ nữ thành đạt vẫn lo nội trợ bởi vì họ không muốn “lạc” ra khỏi định kiến chung của xã hội. Trong khi đó, nam giới thành đạt thì không bao giờ thấy mình có nghĩa vụ phải chia sẻ việc nhà. Đó thực sự là bất bình đẳng giới. Bên thứ hai cãi lại: “Nhầm rồi, một người phụ nữ về nhà thực hiện các công việc như tề gia, nội trợ, chăm sóc con chẳng có gì là bất bình đẳng giới cả”. Bên cạnh sự thích thú của bản thân họ theo đặc tính giới thì việc người vợ nấu cơm, dạy con học còn chồng vẫn làm việc để kiếm thêm tiền, cũng là bình đẳng….
Như mọi khi, những cuộc tranh luận luôn liên tu bất tận. Những tồn tại luôn có và luôn thấy. Nhưng trong lĩnh vực pháp lý, nếu tình hình cũng như vậy thì rất không ổn. Bởi một khi chưa hiểu hết ý nghĩa của bình đẳng giới cũng đồng nghĩa với việc sẽ không hiểu đúng về pháp luật liên quan đến bình đẳng giới. Mà đã hiểu không đúng thì thực thi nỗi gì.
Cách đây không lâu, trên một tạp chí nghiên cứu, tác giả Nguyễn Thị Bình Dương đã nêu quan điểm về việc cần hiểu đúng về bình đẳng giới. Theo đó, ngay từ khi mới thành lập, Việt Nam là một nước đã chú ý đến bình đẳng nam, nữ và tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển. Tuy nhiên, bình đẳng giới, cũng như tạo cơ hội cho phát triển phụ nữ không phải là công việc dễ làm và không phải ai cũng nhận thức đúng tầm quan trọng của nó. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, vốn chịu ảnh hưởng từ lâu đời của những tư tưởng phong kiến lạc hậu trọng nam, coi thường nữ, ăn sâu vào tiềm thức, thâm căn cố đế của người dân. Thậm chí, nhiều người còn cho đấy là một nét của “phong tục, tập quán” không thể thay đổi.
Vì thế, có thể thấy những tồn tại luôn là: “Trình độ học vấn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp so với nam giới, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tư tưởng trọng nam, coi thường nữ, tệ phân biệt đối xử với phụ nữ còn khá phổ biến. Gánh nặng công việc gia đình làm cản trở phụ nữ tiến bộ. Tệ nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm, đánh đập, ngược đãi phụ nữ… còn diễn biến phức tạp.
Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ở các vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Công tác quản lý kinh tế – xã hội nói chung còn yếu kém, ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới”.
Từ những tồn tại này, việc hiểu chưa đúng những vấn đề mà Luật Bình đẳng giới đưa ra là khó thể tránh. Theo tác giả, Nguyễn Thị Bình Dương, việc phụ nữ có tỷ lệ được bầu vào Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc tham gia lãnh đạo, quản lý thấp, không hẳn do họ không đủ năng lực, hoặc chưa đủ tư cách còn do cả yếu tố thuộc về nhận thức giới, tư tưởng coi thường phụ nữ hoặc tự ti, v.v… tác động, làm ảnh hưởng đến số phiếu bầu.
Vì thế, nếu không đưa ra những quy định cụ thể, nhằm làm thay đổi nếp nghĩ, cách tư duy cũ mòn, thì Việt Nam khó có thể đạt được những thành tích đáng kể về bình đẳng giới. Tuy rằng, vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu của phụ nữ, có nhiều ý kiến phản đối và cho rằng đó là sự áp đặt của những người làm chính sách muốn tham quyền, cố vị. Nhưng thực sự bên cạnh nỗi lo về an sinh xã hội, vớ quy hưu trí, bảo hiểm… thì nhiều ý kiến cho rằng, thời gian và chi phí vật chất để đào tạo được một cán bộ có đủ năng lực nghiên cứu và có cống hiến là rất đắt.
Theo quy định hiện nay, chỉ những nữ cán bộ khoa học có bằng cấp như giáo sư, tiến sĩ mới được kéo dài thời gian làm việc đến 60 tuổi, còn những nữ cán bộ khoa học khác vẫn nghỉ ở tuổi 55, là quá lãng phí. Để đạt được trình độ như những cán bộ này, đòi hỏi rất nhiều thời gian đối với số mới vào nghề. Nhưng lại có ý kiến ho rằng kéo dài thời gian làm việc của phụ nữ là chiếm chỗ của lớp trẻ.
Hiện nay, theo cơ chế thị trường, tất cả đều thông qua thi tuyển. Rất nhiều nơi, chúng ta thiếu đội ngũ lao động lành nghề, có đủ năng lực. Còn ở khu vực nhà nước, đào tạo cán bộ thay thế là đòi hỏi mang tính thường xuyên, liên tục nên việc thi tuyển vẫn được tiến hành hằng năm, mà không sợ cán bộ cũ chiếm chỗ của lớp trẻ... Áp lực kiếm tiền là chỗ dựa cho vợ con cũng khiến đàn ông khốn đốn.
Trên đây là quan điểm của một cá nhân, vậy tựu trung lại việc hiểu cho đúng thế nào là bình đẳng giới vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm. Vẫn biết rằng ranh giới giữa bình đẳng và cào bằng rất mong manh. Thế nên, để không nhầm lẫn, mỗi chúng ta cần phải hiểu rõ: bất bình đẳng chỉ xảy ra khi bạn bị ngăn cản hoặc bị ép buộc phải làm việc gì đó mà bạn không thích, không muốn trong khi xã hội quan niệm như thế mới là người smẫu mực. Theo đó, nếu bạn làm việc nhà chỉ vì được dạy dỗ là: phụ nữ phải như thế thì đó đúng là bất bình đẳng, còn nếu bạn làm vì sự yêu thích thì đương nhiên nó không còn là bất bình đẳng nữa.
Tương tự như vậy, trong khi bạn nấu cơm, chồng của bạn vẫn đang ở công sở làm việc thì đương nhiên đó là sự công bằng bởi vì bất bình đẳng chỉ xảy ra khi anh ấy đang nằm nghỉ ngơi hoặc tụ tập bạn bè... Nếu bạn đòi hỏi: việc nhà phải chia đôi trong khi người chồng vẫn phải đảm nhiệm nhiều công việc nơi công sở khác thì điều đó có nghĩa là bạn đơn giản chỉ đang muốn cào bằng việc nhà mà thôi.
Như vậy, công bằng chỉ được “thực thi” khi nó tính đến cả những hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Rất nhiều người khi nghĩ đến bình đẳng giới luôn hình dung đó là cuộc đấu tranh cam go, khốc liệt để đòi quyền lợi cho người phụ nữ. Tuy nhiên, sự thực thì thực hiện bình đẳng giới có ý nghĩa sâu xa là giải phóng con người (cả nam lẫn nữ) khỏi những áp lực vô hình của những định kiến.
Chẳng hạn, trong tư tưởng chung của xã hội, người ta luôn cho rằng: phụ nữ là người giữ lửa cho gia đình, còn nam giới lại là trụ cột. Điều này khiến áp lực phải thực hiện “thiên chức” đè nặng lên vai của nữ giới, trong khi đó áp lực phải kiếm được nhiều tiền, phải là chỗ dựa cho vợ con khiến các đấng mày râu cũng chịu nhiều khốn đốn. Bởi thế, để giảm áp lực cho mỗi người, để cả hai cùng cảm thấy được chia sẻ, mỗi chúng ta cần loại bỏ ra khỏi đầu những tư tưởng cổ súy định kiến giới này.
Nguồn: Vương Yến - laodongxahoi.net