Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16 tháng 1 năm 1912 tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thời trẻ Trần Duy Hưng là học sinh Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An). Sau ông vào học Đại học Y Hà Nội. Ông tích cực tham gia các phong trào thanh niên, sinh viên, có uy tín trong giới nhân sĩ, trí thức, là lãnh tụ phong trào "Hướng đạo sinh Bắc kỳ" dưới sự dẫn dắt của Huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy.
Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, ông mở phòng khám tư tại số 6, phố Bông Nhuộm. Bệnh nhân đến khám khá đông vì viện phí thấp, thầy thuốc có tấm lòng mẹ hiền, đối với bệnh nhân nghèo, ông chữa miễn phí. Người ra phòng khám cũng là nơi ở, nơi gặp gỡ, địa chỉ liên lạc của các cán bộ Việt Minh.
Ðây cũng là cơ sở cung cấp thuốc men cho chiến khu theo yêu cầu của Việt Minh. Ngày 30/08/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động đến thăm bác sĩ Trần Duy Hưng tại phòng khám và cũng là nơi ở của gia đình ông. Bác Hồ trao ông đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội.
Ông là vị Chủ tịch trẻ nhất vì khi nhậm chức ông mới 33 tuổi. Ông cũng là người đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch thành phố lâu nhất, tổng cộng 24 năm. Ông là vị Chủ tịch duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tận tư gia trao nhiệm vụ. Được Bác Hồ tín nhiệm giao việc. Ông đã cố gắng vừa điều hành, vừa học tập: Học tập qua sách vở, qua cuộc sống thường ngày, học tập từ chính cuộc đấu tranh của nhân dân ta để xây dựng.
Ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội ở tuổi 33, vào thời kỳ đất nước vừa giành được độc lập. Biết bao khó khăn, thách thức buộc nhân dân ta phải vượt qua Ðó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bằng uy tín của mình, ông đã vận động, thuyết phục và quy tụ được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức và các nhà tư sản lớn như Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ… tham gia sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Ủy ban hành chính Thủ đô đã giải quyết được hàng loạt vấn đề cấp bách như: Ổn định nhân tâm sau Cách mạng Tháng Tám, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, xây dựng chính quyền các cấp … Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông cùng Chính phủ lên Chiến khu Việt Bắc và được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế.
Sau 9 năm kháng chiến, ngày 10/10/1954 bác sĩ Trần Duy Hưng trở về tiếp quản Thủ đô với trọng trách Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản, tới ngày 04/11/1954 được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban hành chính, rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Vào những năm 60, ông là một trong những lãnh đạo đề ra chủ trương bán nhà cho cán bộ để thành phố có thêm tiền xây các khu tập thể mới, cán bộ có nhà riêng để tự quản lý và tu sửa; chủ trương để tư nhân sản xuất một số mặt hàng thiết yếu đang khan hiếm do chiến tranh.
Ông là vị Chủ tịch có tầm nhìn xa, trông rộng. Vì vậy đã để lại cho Thủ đô hàng loạt những công trình tầm cỡ về kinh tế, văn hóa và xã hội: Khu công nghiệp Cao - Xà - Lá, đường Thanh Niên, Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ... Ông còn là người thị trưởng với tầm nhìn của tương lai. Suốt trong thời gian ông làm Chủ tịch, quy hoạch xây dựng tổng thể thành phố luôn được tôn trọng.
Bác sỹ Trần Duy Hưng là một người sống giản dị, liêm khiết, luôn luôn tận tụy với dân. Ông luôn có mặt động viên kịp thời người dân trên chính các khu phố bị bom Mỹ tàn phá trong 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử (tháng 12/1972). Là người đáng kính trọng và được nhân dân dân mến mộ, ông liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII.
Tới năm 1977, ông xin thôi chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Ông mất ngày 02 tháng 10 năm 1988, tại Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về ông: "Một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo".
Nguồn: Báo Nhân Dân