Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra cách mà loài ốc nón (cone snail) tiêu diệt kẻ thù. Đó là phóng ra một loại chất độc đủ cho 10 cá thể tê liệt ngay tại chỗ. Loài ốc nón có vẻ ngoài sặc sỡ, vỏ hình nón này có tên khoa học là Conus geographus, dài khoảng 10- 15cm, thường được tìm thấy ở các rạn san hô tại Thái Bình Dương.
Tuy không trực tiếp tấn công con người nhưng nếu ai vô tình chọc tức chúng, ốc nón sẽ tự vệ bằng cách chĩa "mũi tên" chứa nọc độc vào đối thủ của mình. Nọc độc của ốc nón cực mạnh và phức tạp, gọi chung là conotoxins - loại độc tố mạnh nhất thế giới. Khi tiếp cận con mồi, ốc nón sẽ phóng ra một lưỡi móc, chích và làm tê liệt chúng.
Chất độc cực mạnh này sẽ gần như ngay lập tức khiến nạn nhân tê liệt, run lẩy bẩy, tím tái, mắt mờ và ngừng thở chỉ sau vài giờ đồng hồ. Các chuyên gia đã nghiên cứu kỹ hơn về loại chất độc này và nhận thấy, trong dung dịch có chứa hỗn hợp chất độc thần kinh và một thành phần của insulin. Thử nghiệm trên cá, các chuyên gia nhận thấy chuỗi protein trong insulin này ngắn hơn so với bình thường, điều này giúp cho lượng đường trong máu của cá ngựa vằn trưởng thành giảm đi đáng kể.
Khi tiêm vào nước, nó cũng làm giảm đi sự di chuyển của ấu trùng cá. Nhà khoa học người Mỹ - Giáo sư Baldomero Olivera thuộc Đại học Utah cho biết: "Phát hiện này đã cung cấp cho chúng tôi biết về một loại insulin mới và vô cùng độc đáo". Hiện các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu về loại nọc độc của ốc nón - một trong những loại độc tố mạnh nhất trên thế giới.
Nguồn: Trí Thức Trẻ