Tìm hiểu về loài cua độc thuộc họ Xanthidae

Rạn san hô ngầm dưới đáy biển chứa nhiều sinh vật hoang dã, thú vị, từ hàng đàn cá màu sắc sặc sỡ đến hung thần cá mập hay những con nghêu khổng lồ.

Các loài giáp xác như cua, tôm hùm và tôm thường là thành phần chính trong chế độ ăn uống của người dân trên khắp thế giới với hàng triệu tấn được đánh bắt hoặc nuôi trồng hàng năm. Mặc dù có sự đa dạng đáng kể của các loài giáp xác, nhưng chỉ một số ít loài được khai thác như một phần của nghề cá thương mại hoặc giải trí. Chúng ta thấy có khoảng một nửa tá loài cua thường thấy trong các nhà hàng hải sản hoặc chợ cá, với ghẹ xanh và cua bùn là phổ biến nhất.

Tuy nhiên, không phải tất cả cua đều an toàn để ăn, và một số ít có thể mang theo độc tố gây chết người. Hầu hết các loài cua độc thuộc họ Xanthidae, là họ cua đa dạng nhất ở các rạn san hô và dễ dàng được nhận ra bởi móng vuốt đen. Cho đến nay, chỉ có một số ít loài thuộc họ này được biết là độc hại, nhưng tốt nhất nên tránh ăn chúng nếu không biết rõ. Những con cua này không thực sự độc và không có khả năng tự sản xuất độc tố.

Một số loài không phải lúc nào cũng độc hại, vì vậy có khả năng chất độc hấp thu thông qua chế độ ăn của chúng hoặc có thể là do vi khuẩn cộng sinh. Cua không có cơ chế cung cấp các độc tố này, chẳng hạn như thông qua vết cắn hoặc gai độc, vì vậy ngộ độc chỉ xảy ra khi con người tiêu thụ thịt và gạch cua. Những con cua xanthid này có thể tích lũy 2 trong số các chất tự nhiên gây chết người nhất được biết đến - saxitoxin và tetrodotoxin - trong thịt và khối lượng trứng của chúng.

Cả saxitoxin và tretrodotoxin đều cực kỳ độc hại, chỉ bằng 0.5 miligam có khả năng giết chết một người trưởng thành có kích thước trung bình. Các độc tố cũng ổn định nhiệt và sẽ tồn tại trong các mô mặc dù đã được nấu chín. Saxitoxin là độc tố chính liên quan đến ngộ độc vỏ ốc sò, thường là nguyên nhân gây ngộ độc cho những người ăn phải những loài 2 mảnh vừa mới tiêu thụ tảo độc. Thú vị thay, saxitoxin được liệt kê là vũ khí hóa học cấp một theo Công ước vũ khí hóa học của Liên hợp quốc và được CIA sử dụng một cách có uy tín trong các loại thuốc ám sát.

Tetrodotoxin, loại chất độc nổi tiếng được biết đến có nhiều trong các loài cá nóc, nguyên liệu để làm món fugu Nhật Bản lừng lẫy từ thịt cá nóc mà chỉ những đầu bếp lành nghề mới được phép chế biến. Cả hai hóa chất đều là độc tố thần kinh, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến tê liệt bằng cách vô hiệu hoá các tế bào thần kinh có khả năng truyền thông tin. Đa số loài cua sống rạn san hô có màu sắc lộng lẫy thường có độc nếu ăn phải, và trong khi một số loài đạt kích cỡ lớn thì hầu hết đều tương đối nhỏ.

Mặc dù cần cẩn thận cho việc chuẩn bị và có kiến thức tốt để nhận diện và phân biệt tất cả các loài cua nói riêng và hải sản nói chung, nhưng nếu chúng ta không chắc chắn đó là loài gì, thì lời khuyên tốt nhất có thể là không nên ăn chúng. Cua trứng đỏ cũng là một loài trong họ Xanthidae. Tên tiếng Anh của chúng là Red Egg Crab hoặc Bashful Crab, tên khoa học Atergatis integerrimus. Môi trường sống của chúng thường trong các bãi đá vụn san hô chết và rạn san hô ở vùng biển nhiệt đới nông.

Loài này thường di chuyển chậm và hoạt động mạnh về đêm. Cơ thể có hình bầu dục, kích thước tối đa 8 - 10cm, có màu nâu đỏ, cam đến đỏ tươi. Viền mai không có răng cưa. Trên mai rải rác những đốm trắng nhỏ. Gọng kìm kẹp của 2 càng có đầu màu đen, hình muỗng, trơn nhẵn không có nốt sần. Con đực thường có 2 càng không đều nhau. Các que ngắn, khỏe, trông khá đều nhau và không có lông. Con chưa trưởng thành có màu nâu sáng và có rìa trắng quanh mai.

Loài này đôi khi bị nhầm lẫn với loài cúm đen sống trong bùn (thunder crab, tên khoa học Myomenippe hardwicki). Cúm đen trông tương tự nhưng có đôi mắt màu xanh lá cây được viền đỏ. Mai cúm thường đơn giản (không có chấm) và có xu hướng màu xám hoặc màu be nhưng đôi khi có thể có màu đỏ. Nếu để ý phân biệt kỹ hơn nữa thì cúm có cặp càng to hơn cua trứng đỏ. Cua trứng đỏ thường ăn tảo và các động vật giáp xác, nhuyễn thể, giun biển...nhỏ hơn chúng.

Do thuộc họ Xanthidae nên có khả năng có độc, tuy nhiên chưa có báo cáo về các trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Ở Việt Nam, người miền biển gọi chúng là cua đá và vẫn được mua bán làm thức ăn như một loại hải sản “tuyệt đối” an toàn.

Nguồn: Nguyễn Đình Thiện

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay