Ngày 26/11/1978, khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở một rạp hát thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM, nghệ sĩ Thanh Nga đã bước lên chiếc xe định mệnh Volkswagen màu xám nhạt về nhà và vĩnh viễn ra đi ở tuổi 36, sau phát súng của một kẻ lạ mặt. Hơn 40 năm rời cõi tạm, thời gian trôi xa nhưng những ký ức về bà trong lòng khán giả vẫn không phai nhạt.
Những năm 1960-1970, người Sài Gòn không ai không biết đến cái tên Thanh Nga, một mỹ nhân với tài sắc vẹn toàn. Cố Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, con gái của trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ nhỏ bà đã được thừa hưởng tố chất của một người nghệ sĩ.
Cái tên Thanh Nga đã là một “tượng đài” trong nghệ thuật cải lương của Việt Nam. Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa - dưỡng phụ của Thanh Nga - làm bầu gánh. Năm 12 tuổi, bà vào vai bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa.
Từ năm 16 tuổi, Thanh Nga trở thành một “ngôi sao sáng” của làng cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ thanh sắc của một đào hát. Thanh Nga có chất giọng và phong cách diễn xuất được người trong nghề đánh giá là đặc biệt. Bà quyến rũ khán giả bằng giọng ca mùi mẫn, đầy cảm xúc, khi thanh thoát, khi day dứt cũng có lúc bi ai nhưng rất chân phương.
Đến tận ngày hôm nay, giọng hát và cách diễn của bà vẫn được xem là chuẩn mực để thế hệ nghệ sĩ ngày sau học tập. Ngoài cải lương, Thanh Nga còn đóng phim và nhiều lần được tham dự các liên hoan phim quốc tế. Không chỉ nổi tiếng bởi tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực sân khấu, NSƯT Thanh Nga còn được nhiều người biết đến như một mỹ nhân của Sài Gòn.
Gương mặt thanh tú, đôi mắt thu hút cùng nụ cười duyên dáng đã tạo nên một vẻ đẹp rất đặc biệt. Chính nét yêu kiều, quý phái này đã khiến bao người say mê. NSƯT Thanh Nga từng được con một chủ tờ báo nổi tiếng ở Sài Gòn - Cậu Ba Thành vì say đắm mà đã đầu tư hơn về mặt hình ảnh cho bà bằng cách thuê hẳn một ê kip chuyên lăng xê cho đoàn hát.
Cậu Ba Thành ngày đó còn có nhã ý tặng cho Thanh Nga cả một rạp hát mới xây, nhưng đã bị mẹ Thanh Nga từ chối. Đối với Thanh Nga, những cách thể hiện tình cảm bằng quyền lực, tiền bạc không bao giờ làm bà lay động. Thanh Nga kết hôn lần đầu vào năm 1967, nhưng cuộc hôn nhân này không kéo dài lâu.
Sau đó, nữ nghệ sĩ tìm được hạnh phúc đích thực bên ông Phạm Duy Lân và có một con trai - Phạm Duy Hà Linh. Phạm Duy Lân yêu thương vợ, đi đâu cũng tháp tùng, bên cạnh vợ 24/24. Hạnh phúc không kéo dài được bao lâu, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga gặp bi kịch khủng khiếp vào ngày 26/11/1978.
Tối đó, họ cùng con trai Hà Linh và vệ sĩ riêng vừa đỗ xe trước cổng nhà thì có hai kẻ lạ mặt xuất hiện. Chúng dùng súng ngắn khống chế vệ sĩ và vợ chồng bà với ý định bắt Hà Linh. Thanh Nga phản ứng dữ dội. Bà kiên quyết giấu con trai sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Không thực hiện được mục đích, hai kẻ đó giết chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga rồi lên xe bỏ trốn.
Khi bi kịch khủng khiếp xảy ra, Hà Linh mới 5 tuổi. Thế nhưng anh vẫn nhớ như in về cái đêm định mệnh đó. Khi đã trở thành người đàn ông trung niên, nhiều đêm Hà Linh vẫn mơ thấy mẹ và lần nào tỉnh dậy, anh cũng bật khóc.
Nguồn: Cải cách Lương truyền