Răng khôn là chiếc răng nằm ngay góc trong cùng của xương hàm. 17 đến 19 tuổi là độ tuổi phổ biến khi bắt đầu mọc răng khôn. Tuy nhiên, cũng chẳng có gì bất thường nếu chúng ta mọc răng khôn vào khoảng 17 đến 25 tuổi. Một người trưởng thành trung bình có bốn chiếc răng khôn và nằm ở mỗi góc của xương hàm.
Tuy nhiên, một số người có thể mọc ít hơn, có người không mọc và có người lại mọc nhiều hơn. Ước tính khoảng 20 - 25% dân số thế giới có ít hơn bốn chiếc răng khôn. Tất nhiên là không phải lúc nào xương hàm của chúng ta cũng có đủ chỗ cho răng khôn. Thế nên khi mọc, răng khôn sẽ tìm cách chen lấn, xô lệch các răng khác hoặc mọc ngầm gây ra hiện tượng đau đớn, khó chịu hoặc nặng hơn là bị nhiễm trùng do mọc răng khôn.
Khoảng 15% nữ giới thường có xu hướng mọc thiếu răng khôn (thiếu một, hai, ba hoặc không mọc răng khôn). Địa hình và hoàn cảnh sống khác nhau cũng ít nhiều có ảnh hưởng đến việc mọc răng khôn. Ví dụ: những người gốc Phi và châu Âu có khả năng mọc cả bốn chiếc răng khôn trong khi những người gốc châu Á có khả năng mọc thiếu một hoặc nhiều răng khôn hơn.
Một số người chỉ mọc một răng khôn, người khác lại mọc hai, ba hay bốn chiếc hoặc thậm chí là không mọc chiếc nào. Thế nên, trường hợp mọc cả bốn răng khôn thực sự cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, có người sẽ mọc nhiều hơn bốn răng khôn. Răng khôn trong trường hợp này gọi là “răng mọc thừa”.
Và tất nhiên, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định bạn sẽ mọc bao nhiêu răng khôn. Khoảng 1% đến 4% dân số thường mắc chứng răng khôn mọc thừa với tỷ lệ nam nữ là 2:1; đa số các trường hợp chỉ dừng lại ở việc mọc thừa một răng. Trước đây đã có một vài báo cáo về trường hợp một người mọc trên 30 chiếc răng thừa hay có người từng bị mọc răng khôn theo đôi (mỗi góc xương hàm có một đôi răng khôn, tổng cộng 8 răng khôn), tuy nhiên, mọi người cứ yên tâm vì trường hợp mọc thừa nhiều răng khôn như vậy là rất hiếm.
Để giữ hơi thở luôn thơm mát và giảm mùi hôi miệng do răng khôn gây ra, ngoài việc giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày, chúng ta nên sử dụng nước súc miệng có chứa “chlorhexidine” để tiêu diệt vi khuẩn gây ra hôi miệng. Trong trường hợp khó tìm nước súc miệng có chứa “chlorhexidine”, chúng ta có thể thay thế bằng nước muối. Nếu bị hôi miệng nặng hơn, chúng ta nên trực tiếp tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng kháng sinh.
Nguồn: Trà Mi - Tổng hợp