Cá nóc da beo hay còn gọi là cá nóc đốm xanh - Dichotomyctere (Tetraodon) nigroviridic (Marion de Procé, 1822), là một trong những loài cá nóc bản địa của châu Á. Chúng phân bố từ Trung Quốc, Đông Nam Á cho đến Ấn Độ. Chúng khá là kỳ quặc ở chỗ có thể được tìm thấy từ sông suối cho đến các vùng rừng ngập mặn cho đến những vùng biển gần bờ thậm chí là ở... trong các tiệm cá cảnh. Ở Việt Nam, các bạn rất dễ gặp chúng trong sông Sài Gòn và các nhánh của nó hoặc ở rừng ngập mặn và cửa sông Cần Giờ, ở đồng bằng sông Cửu Long và đất mũi Cà Mau.
Cá nóc da beo là một loài cá khá hung dữ, chúng tấn công hầu hết mọi thứ xâm phạm vào lãnh thổ của mình. Cắn, cấu, xé những sinh vật thậm chí lớn hơn mình. Nhờ có hàm răng cứng và sắc nhọn, chúng có thể tạo ra những cú cắn đầy tính sát thương, cắn vỡ vỏ những con ốc hay sò nhỏ và thậm chí cắn chảy máu cả con người. Như mọi loài cá nóc khác, loài cá nóc da beo này sở hữu chất độc tetrodotoxin (TTX) trong da, nội tạng và trứng.
Đương nhiên, chất độc này gây chết người nếu bị nuốt phải vì nó tấn công lên hệ thần kinh và gây ra một đống triệu chứng như (insert The Reviewer): tê bì mặt và chân tay, tê liệt cơ toàn thân, liệt cơ hô hấp gây ngưng thở,... Với sự tham gia của sự buồn nôn trên từng hơi thở, đau bụng, mắt sụp mí, đắng họng, co giật và cuối cùng là tử vong nếu như không vào viện kịp thời khi bị ngộ độc... Lưu ý, chất độc này không biến mất kể cả khi được nấu chín hay phơi khô.
Trước khi nói thêm về những con cá nóc da beo này thì ta sẽ nói về một lĩnh vực hơi khái quát, đó là về vấn đề: "Vì sao lại có những loài cá sống trong nước ngọt và những loài cá sống trong nước mặn?". Có một đặc điểm chung của cả 2 nhóm này chính là chúng cần có một số muối và các khoáng chất trong máu để có thể thực hiện các chức năng sống, chỉ cần thừa hoặc thiếu các muối và khoáng chất này thì bất cứ sinh vật sống nào có máu cũng tạch.
Đối với cá nước ngọt, chúng sống trong môi trường có nồng độ các muối khoáng thấp, nhưng nước lại nhiều. Vì vậy, chúng lấy khoáng từ thức ăn và nước, sau đó phần lớn các muối khoáng được giữ lại nhờ vào thận, còn nước thì bị lọc bỏ. Vậy nên, cá nước ngọt đi tiểu rất nhiều. Ngược lại, cá nước mặn sống ở môi trường dư thừa muối khoáng vậy nên chúng sẽ tiến hóa ngược lại. Chúng uống rất nhiều nước biển và dùng mang để lọc một lượng muối khoáng nhất định, sau đó lại tiếp tục thải muối cật lực nhờ vào thận và chúng đi tiểu rất ít, thậm chí còn hấp thu lại nước trong nước tiểu.
Vì những đặc điểm trên mà thận của cá nước ngọt và cá biển rất khác nhau. Thận cá nước ngọt rất phát triển, phù hợp cho việc lọc lấy muối và đào thải nhiều nước, còn thận của cá biển thì không phát triển nhiều như cá nước ngọt, thậm chí một số bộ phận đảm nhiệm việc giữ muối và thải nước còn tiêu biến hẳn. Nhưng mà đấy là đối với các loài cá hẹp muối (stenohaline), chỉ sống được trong một khoảng độ mặn rất nhỏ. Vậy còn loài cá nóc da beo thì sao?
Chúng không phải là cá hẹp muối! Chúng thuộc một nhóm cá được gọi là cá rộng muối (euryhaline) (giống như cá hồi, cá chình, cá ong, cá dìa, cá bảy màu, cá molly,..). Vậy nên chúng sẽ phát triển theo một hướng nào đấy giữa giữa hai loài trên kia. Mang của chúng vừa có khả năng lọc muối vừa có thể giữ lại muối. Thận của chúng cũng vậy, có thể điều chỉnh để vừa có thể lọc muối, vừa có thể giữ muối, phát triển hơn cá biển nhưng lại kém hơn cá nước ngọt.
Nhưng mà cái gì cũng có nhược điểm của nó, các bộ phận phát triển theo kiểu "chung chung" như vậy có thể làm chúng gặp một số vấn đề về việc tích trữ muối khoáng. Trong suốt quá trình sống của mình, cá nóc da beo sẽ được sinh ra ở nước ngọt. Khi trưởng thành, chúng sẽ di chuyển ra vùng nước lợ để sống. Riêng cá nóc da beo thì di chuyển hẳn ra vùng cửa sông và sống ở nước mặn và các bộ phận có thể của chúng cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn sống để phù hợp với môi trường sống của chúng.
Cá nóc nói chung là những loài cá da trơn, chúng trao đổi chất một phần qua da. Điều đấy vừa có lợi vì nó nâng hiệu quả trao đổi chất, vừa có bất lợi ở chỗ chúng rất nhạy cảm với môi trường sống và có thể thất thoát một số chất qua da, trong trường hợp này là muối khoáng. Tuy loài cá nóc nói trên thuộc diện rộng muối nhưng chính cấu tạo thận và mang phát triển theo hướng rộng muối, phát triển gần giống với cá nước ngọt đủ để giữ muối trong một khoảng thời gian nhất định nhưng lại không đủ khỏe để duy trì nó trong một thời gian quá dài.
Vì một số bộ phận của thận thoái hóa đi để phù hợp với khoảng thời gian sống trong nước lợ hoặc mặn, lượng muối khoáng cần thiết trong cơ thể chúng sẽ thất thoát theo thời gian qua hệ bài tiết và qua da. Đến một lúc nào đấy, khi lượng muối khoáng quá thấp để chúng duy trì sự sống, cá nóc da beo sẽ đen lại, cuộn tròn một cục và chết. Nhưng vẫn có một số trường hợp nhiều người nuôi nó được tận mấy tháng, thậm chí là cả năm trời mà vẫn sống.
Trước hết, phải xem xem là từ đó giờ có bao nhiêu con có thể sống được như vậy, chắc chắn là không nhiều và những con cá đấy có khỏe hay không. Thường thì những trường hợp đấy thường rơi vào kiểu được nuôi trong môi trường nước ngọt giàu khoáng (nước giếng, nước hồ,...), có đủ khoáng để nó "tồn tại" nhưng lại không đủ để chúng khỏe mạnh. Đấy là lý do vì sao những con cá nóc da beo "sống sót thần kỳ" trong tay những người nuôi trong nước ngọt thường rất lù đù, màu rất tối và có thể chết bất cứ lúc nào.
Thậm chí, chúng còn tự kết liễu bằng cách nhảy ra khỏi hồ. Một số trường hợp khác có thể sống trong nước ngọt rất lâu là vì những con cá đấy đang trong mùa sinh sản, tức là lúc nó bơi từ biển về sông để sinh sản. Các bộ phận cơ thể của chúng sẽ tích trữ một lượng muối khoáng và chuyển từ chế độ nước mặn sang chế độ nước ngọt, kiểu này thì thường sẽ bị bắt đem vào trong các tiệm cá cảnh, màu đen xì, sống được mấy tuần sau sẽ chết.
Nguồn: Minh Hiển Đậu/ Group Maybe You Missed This F*cking News