Thác nước Victoria hay Mosi-oa-Tunya (Tokaleya Tonga: khói bốc lên từ sấm sét) là một thác nước tại miền nam châu Phi trên sông Zambezi, tại biên giới Zambia và Zimbabwe. CNN đã mô tả thác nước này như một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. David Livingstone, nhà truyền giáo và thám hiểm người Scotland, được cho rằng là người châu Âu đầu tiên khám phá thác nước Victoria vào ngày 16 tháng 11 năm 1855, từ nơi hiện tại được gọi là đảo Livingstone, một trong hai khối đất giữa sông, ngược dòng trực tiếp từ ngọn thác ở phía Zambia.
Livingstone đặt tên khám phá của ông dựa trên lòng tôn kính nữ hoàng Victoria của Anh, nhưng tên theo tiếng Tonga bản địa, Mosi-oa-Tunya—"khói bốc lên từ sấm sét"—vẫn tiếp tục sử dụng phổ biến. Danh sách Di sản Thế giới chính thức công nhận cả hai tên. Các công viên quốc gia gần đó của Zambia có tên là Mosi-oa-Tunya, trong khi công viên quốc gia và thị trấn bên bờ Zimbabwe đều tên là Victoria Falls. Ở một khoảng cách rất lớn trên thác, sông Zambezi đổ nước xuống một phiến đá basalt phẳng lớn, trong một máng được bao quanh bởi các ngọn đồi sa thạch xa.
Dòng chảy của sông bị ngắt quãng bởi nhiều hòn đảo có cây mọc trên, số lượng đảo gia tăng ở gần thác. Không có núi, dốc đứng, hay máng sâu để có thể tạo ra một thác nước, chỉ là vùng cao nguyên phẳng trải dài hàng trăm kilômét ở mọi hướng. Thác được hình thành khi toàn bộ chiều rộng của con sông tụt hẫng xuống trong một khoảng không dọc duy nhất vào một kẽ nứt ngang rộng 1780 mét (5604 ft), được tạo thành bởi nước của nó dọc một vùng nứt gãy trong cao nguyên basalt.
Độ sâu của vết nứt gãy, được gọi là Họng thứ nhất, thay đổi từ 80 mét (262 ft) ở phía cực tây tới 108 mét (360 ft) ở trung tâm. Cửa thoát nước duy nhất của Họng thứ nhất là một lỗ hổng rộng 110 mét (360 ft) chiếm khoảng hai phần ba đường cắt ngang chiều rộng của thác từ phía cực tây, xuyên qua đó toàn bộ lượng nước của con sông đổ vào các họng của Thác Victoria. Có hai hòn đảo trên đỉnh thác đủ lớn để phân chia bức mành nước kể cả ở lúc có lũ: Đảo Boaruka (hay Đảo Cataract) gần bờ phía tây, và Đảo Livingstone ở gần giữa. Khi có lũ lớn nhất, những hòn đảo nhỏ khác cũng có thể phân chia bức mành nước thành các dòng song song.
Các dòng chính được đặt tên, theo hướng từ Zimbabwe (phía tây) tới Zambia (phía đông): Dòng Quỷ (được một số người gọi là Nước nhấp nhô), Thác chính, Thác cầu vồng (cao nhất) và Dòng phía đông. Lòng chảo Zambezi bên trên thác có một mùa mưa từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 4, và một mùa khô trong phần còn lại của năm. Mùa lũ hàng năm của con sông diễn ra từ tháng 2 tới tháng 5 với đỉnh ở tháng 4, Bụi nước từ thác thường có thể đạt tới độ cao 400 mét (1,300 ft), và thỉnh thoảng thậm chí còn cao gấp đôi, và có thể quan sát thấy từ khoảng cách 50 km (30 dặm).
Ngày trăng rằm, một "cầu vồng mặt trăng" có thể được quan sát thấy trong đám hơi nước thay cho cầu vồng thường thấy trong ánh sáng ban ngày. Trong mùa lũ, dọc theo vách đối diện với nó là những vòi nước lấp trong mây mù. Gần cạnh của vách, hơi nước bắn thẳng lên như trận mưa ngược, đặc biệt tại Cầu Knife-Edge phía Zambia. Khi mùa khô tới, các hòn đảo nhỏ trên đỉnh trở nên lớn hơn và nhiều hơn, và vào tháng 9 tới tháng 1 tới một nửa bề mặt đá của thác có thể trở nên khô và phần dưới của Họng thứ nhất có thể thấy dọc theo hầu hết chiều dài của nó.
Ở thời điểm này có thể (dù không phải là an toàn) đi ngang qua sông ở trên đỉnh. Cũng có thể đi ở dưới Họng thứ nhất ở phía Zimbabwe. Lưu lượng nhỏ nhất, xảy ra vào tháng 11, bằng khoảng một phần mười của tháng 4; sự khác biệt lưu lượng này lớn hơn so với những thác lớn khác, và khiến lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm của Thác Victoria thấp hơn lưu lượng ước đoán theo lưu lượng nhỏ nhất. Thác Victoria khoảng gấp đôi chiều cao Thác Niagara ở Bắc Mỹ và rộng gấp đôi Thác Móng ngựa.
Về chiều cao và chiều rộng Thác Victoria chỉ có đối thủ duy nhất là Thác Iguazu ở Nam Mỹ. Xem bảng để so sánh. Toàn bộ lượng nước của Sông Zambezi đổ qua chiều rộng 110 mét của Họng thứ nhất, chảy tiếp 150 mét (500 ft), sau đó đi vào một loạt các họng ziczac được gọi tên theo thứ tự. Nước chảy vào Họng thứ hai quặt gấp sang phải và đào một hố sâu ở đó gọi là Nồi sôi (Boiling Pot). Chảy tới qua một đoạn nghiêng từ phía Zambia, nó rộng khoảng 150 mét (500 ft).
Khi mực nước thấp bề mặt của nó nhẵn, nhưng khi nước cao có nhiều cuộn xoáy lớn, chậm và các dòng chảy hỗn loạn mạnh.[6] Đồ vật—và con người—bị cuốn vào thác, gồm cả hà mã, thường được thấy bị rơi vào cuộn xoáy ở đây hay trôi dạt vào phía cuối đông bắc của Họng thứ hai. Đây là nơi xác của Bà Moss và Ông Orchard, đã bị cá sấu ăn một phần, được tìm thấy năm 1910 sau khi hai chiếc cano bị một con hà mã làm lật úp tại Long Island phía trên thác. Các họng lớn gồm (xem tham khảo để biết ghi chú về kích thước):
Các bức tường của các họng gần như dựng đứng và thường cao khoảng 120 mét (400 ft), nhưng mực nước sông trong chúng có thể thay đổi tới 20 mét (65 ft) giữa mùa khô và mùa mưa. Lịch sử địa chất gần đây của Thác Victoria có thể được quan sát thấy ở những hình thức họng bên dưới thác. Cao nguyên basalt nơi dòng Thượng Zambezi chảy có nhiều vết nứt với các phiến sa thạch yếu. Ở trong vùng của thác hiện tại vết nứt lớn nhất chạy gần như theo hướng đông tây (một số vết chạy gần theo hướng bắc đông hay tây nam), với các vết nứt nam bắc nối liền chúng.
Trong vòng ít nhất 100,000 năm, dòng thác đã lùi ngược qua Họng Batoka, làm xói mòn các vết nứt sa thạch để tạo nên các họng. Dòng sông ở địa điểm hiện tại theo hướng bắc nam, vì thế nó mở rộng các vệt nứt tây đông ngang theo toàn bộ chiều rộng, sau đó nó cắt ngược lại qua một vết nứt bắc nam ngắn tới một vết nứt tiếp theo hướng đông tây. Con sông trong nhiều thời kỳ từng đổ vào các vết nứt khác nhau hiện tạo thành một loạt các họng ziczac ở hạ lưu thác.
Không tính tới một số mùa khô, họng thứ hai tới thứ năm và họng Songwe đều thể hiện một địa điểm trong quá khứ của thác khi chúng đổ vào một vết nứt dài thẳng như hiện nay. Kích thước của chúng cho thấy chúng ta không ở trong thời điểm khi thác rộng nhất. Thác đã bắt đầu cắt vào một họng lớn mới, ở chỗ trũng trong một phía của "Dòng Quỷ" (cũng được gọi là "Nước nhấp nhô") của thác. Trên thực tế đó không phải là vết nứt nam bắc, mà là một đường yếu lớn hướng đông đông bắc ngang qua sông, nơi toàn bộ chiều dài của thác sẽ thành hình.
Nguồn: vi.wikipedia.org