USS Nautilus - tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới

USS Nautilus (SSN-571) là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới và là niềm tự hào của ngành công nghiệp đóng tàu Hoa Kỳ.

USS Nautilus (SSN-571) là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới và là niềm tự hào của ngành công nghiệp đóng tàu Hoa Kỳ.

Vào tháng 7 năm 1951, Quốc hội Hoa Kỳ đã cho phép đóng chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Vào ngày 12 tháng 12, Bộ Hải quân thông báo tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới của họ sẽ mang tên NAUTILUS. Lễ khởi công tại xưởng đóng tàu Electric Boat ở Groton, Connecticut ngày 14 tháng 6 năm 1952 dưới sự chứng kiến của Tổng thống đương nhiệm lúc đó là Harry S. Truman.

Nautilus được bà Mamie, phu nhân Tổng thống Dwight D. Eisenhower làm lễ hạ thủy vào ngày 21 tháng 1 năm 1954 tại Groton, Connecticut. Tám tháng sau, vào ngày 30 tháng 9 năm 1954, Nautilus trở thành con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên được đưa vào biên chế trong Hải quân Hoa Kỳ.

Sau các thử nghiệm bổ sung và thử nghiệm mở rộng, chiếc tàu ngầm bắt đầu thực hiện hành trình vào ngày 10 tháng 5 năm 1955. Trong vài năm tiếp theo, nó đã trải qua nhiều đợt thử nghiệm khác nhau, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển chiến thuật chống tàu ngầm mới của Hải quân Hoa Kỳ (ASW ).

Là tàu ngầm chạy bằng động cơ hạt nhân đầu tiên trên thế giới, Nautilus sử dụng lò phản ứng được thiết kế bởi các kỹ sư của phòng thí nghiệm Bettis thuộc tập đoàn Westinghouse. Trong vài năm tiếp theo, Nautilus đã liên tiếp phá vỡ mọi kỷ lục về tốc độ và khoảng cách lặn, khiến các chiến thuật săn lùng tàu ngầm trong thời kỳ Thế chiến II trở nên lạc hậu, phương pháp dùng máy bay và radar rất quan trọng trong việc đánh bại tàu ngầm trong chiến tranh đã tỏ ra không hiệu quả khi chống lại một tàu ngầm hạt nhân có thể di chuyển nhanh ra khỏi khu vực, thay đổi độ sâu nhanh chóng và chìm trong nước rất lâu.

Sau khi hoàn thành đợt đại tu vào tháng 8 năm 1960, Nautilus được triển khai đến Địa Trung Hải và được biên chế cho Hạm đội 6 Hoa Kỳ.

Mùa xuân năm 1979, Nautilus khởi hành từ Groton, Connecticut trong chuyến đi cuối cùng của mình để đến Nhà máy đóng tàu Hải quân Đảo Mare, Vallejo, California vào ngày 26 tháng 5 năm 1979. Con tàu đã ngừng hoạt động ngày 03 tháng 3 năm 1980 sau 25 năm và trở thành một phần trong bộ sưu tập hiện vật trong bảo tàng lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ tại Groton, Connecticut.

DANH SÁCH CÁC THUYỀN TRƯỞNG CỦA TÀU NAUTILUS

  • CDR Eugene P. Wilkinson | Tháng 9 năm 1954 - tháng 6 năm 1957
  • CDR William R. Anderson | Tháng 6 năm 1957 - tháng 6 năm 1959
  • CDR Lando W. Zech, Jr. | Tháng 6 năm 1959 - tháng 4 năm 1962
  • CDR Jeffery C. Metzel, Jr. | Tháng 4 năm 1962 - tháng 10 năm 1963
  • CDR Francis C. Fogarty | Tháng 10 năm 1963 - tháng 4 năm 1967
  • CDR Norman E. Griggs | Tháng 4 năm 1967 - tháng 1 năm 1970
  • CDR David W. Cockfield | Tháng 1 năm 1970 - tháng 6 năm 1972
  • CDR Alex Anckonie, III | Tháng 6 năm 1972 - Tháng 12 năm 1976
  • CDR Richard A. Riddell | Tháng 12 năm 1976 - tháng 3 năm 1980

TÀU NGẦM HẠT NHÂN CỦA CÁC QUỐC GIA KHÁC

Bị thúc đẩy bởi sự thành công của Hoa Kỳ trong việc phát triển động cơ hạt nhân cho tàu ngầm, Liên Xô cũng đã phát triển một thế hệ tàu ngầm mới mang động cơ hạt nhân. Hơn 20 phòng thiết kế, 35 viện nghiên cứu đã tham gia vào dự án và thành quả của họ là chiếc tàu ngầm K-3 Leninskiy Komsomol xuất hiện năm 1958. Từ cuối những năm 1950 đến cuối năm 1997, Liên Xô, và sau đó là Nga đã chế tạo tổng cộng 245 tàu ngầm hạt nhân, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của hải quân Mỹ. 19 chiếc đã được đưa vào hoạt động kể từ năm 2004.

Ngoài Liên Xô, Vương quốc Anh, Pháp và Trung Quốc cũng trang bị cho hạm đội của mình tàu ngầm hạt nhân như là một phần trong sức mạnh răn đe hạt nhân của quốc gia.

Hiện tại lực lượng tàu ngầm hạt nhân của các quốc gia bao gồm

Mỹ: Hiện tại hải quân Hoa Kỳ có 72 tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động, trong đó hiện đại nhất là 19 chiếc lớp Virginia đưa vào hoạt động từ năm 2004

Nga: Hiện Nga có 30 tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động, tiên tiến nhất là một tàu lớp Yasen và ba tàu lớp Borei đưa vào hoạt động năm 2013, còn lại là các tàu đóng từ thời Liên Xô.

Anh: Hải quân Anh có 12 tàu đang hoạt động, tiên tiến nhất là 4 tàu ngầm lớp Astute bắt đầu đi vào hoạt động năm 2010

Pháp: Hải quân Pháp hiện có 9 tàu ngầm hạt nhân, tiên tiến nhất là lớp tàu ngầm Suffren sẽ được đưa vào biên chế từ năm 2021

Trung Quốc: Hải quân Trung Quốc hiện có 16 tàu ngầm hạt nhân. Không có nhiều thông tin về lực lượng tàu ngầm hạt nhân của nước này.

Ngoài ra Ấn Độ có một tàu ngầm hạt nhân cũ thuê lại từ Nga.

Võ Quỳnh

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay