Trong dòng chảy lịch sử, không thể phủ nhận vai trò của năng lượng hóa thạch nói chung và than đá nói riêng đối với sự phát triển của nhân loại. Dầu mỏ, khí đốt, than đá cung cấp phần lớn tổng năng lượng trên toàn cầu. Trong đó, nhiên liệu than cung cấp năng lượng chính cho toàn thế giới trong suốt thế kỷ qua. Than được dùng để tạo ra điện trong các nhà máy nhiệt điện; là nhiên liệu trong các máy hơi nước, đầu máy xe lửa; tạo ra nhiệt trong các nhà máy luyện kim… Các ngành công nghiệp quan trọng như xi măng, luyện kim, hóa chất… không thể hình thành và phát triển được nếu không dựa vào năng lượng than. Thời gian qua, nhiệt điện than cũng có vai trò cực kỳ quan trọng giúp đáp ứng được nhu cầu điện năng rất lớn đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong các nguồn năng lượng hóa thạch, than đá có nhiều ưu điểm như dễ khai thác, dễ chế biến, dễ trao đổi mua bán, dễ vận chuyển hơn so với dầu mỏ và khí tự nhiên. Hơn nữa, công nghệ đốt than tương đối đơn giản, có thể phát triển ở quy mô công nghiệp lớn. Chính vì vậy, than đá đã và đang được trọng dụng ở nhiều quốc gia. Có thể nói, thế giới đang phụ thuộc rất nhiều vào than và các nguồn năng lượng hóa thạch.
Tuy vai trò của năng lượng hóa thạch rất quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại song quá trình khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bộc lộ nhiều nhược điểm của nguồn năng lượng này. Vậy cụ thể nhược điểm của năng lượng gốc hóa thạch là gì?
Năng lượng hoá thạch đang dần cạn kiệt
Trái Đất mất hàng triệu năm để tạo ra các nhiên liệu hóa thạch trong khi tốc độ tiêu thụ của con người lại rất nhanh khiến nguồn nhiên liệu này ngày càng trở nên cạn kiệt. Trên thế giới, nếu cứ giữ tốc độ khai thác và tiêu thụ như hiện nay thì trữ lượng dầu mỏ ước tính chỉ còn đủ dùng cho 53 năm nữa, khí thiên nhiên còn khoảng 55 năm và than đá còn 113 năm. Tại Việt Nam, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện nay thì dầu mỏ chỉ còn 34 năm, khí thiên nhiên còn 63 năm và than đá chỉ còn 4 năm.
Tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người
Sự phát triển các nguồn năng lượng hóa thạch kéo theo nhiều hệ lụy cho môi trường. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 21,3 tỉ tấn CO2 mỗi năm và làm tăng 10,65 tỉ tấn CO2 trong khí quyển. CO2 là một loại khí nhà kính làm tăng lực phóng xạ và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Ngoài CO2, đốt nhiên liệu hóa thạch cũng tạo ra các chất ô nhiễm không khí khác như các chất NO2, SO2, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và các kim loại nặng. Theo đánh giá khoa học của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), việc sử dụng năng lượng hóa thạch đóng góp 56,6% tổng lượng khí nhà kính do hoạt động của con người năm 2004. Trong các nhiên liệu hóa thạch, than đá được coi là nhiên liệu ô nhiễm nhất, thải ra lượng CO2 gấp đôi so với khí tự nhiên và nhiều hơn 30% so với xăng.
Long thành