Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ thì có hai yếu tố chi phối mạnh mẽ đời sống tâm linh của họ đó là tín ngưỡng - tôn giáo và các nghi lễ, lễ hội. Lễ hội gắn với các nghi thức, nghi lễ tôn giáo và nó thường diễn ra ở các ngôi chùa Khmer. Tín ngưỡng dân giancó từ thời xa xưa, không còn phổ biến trong xã hội người Khmer nữa mà nó chỉ tồn tại như những tàn dư. Các loại tín ngưỡng dân gian này bao gồm tín ngưỡng Neak tà, tín ngưỡng Arăk và các lễ nghi nông nghiệp. Tín ngưỡng Neak tà cũng giống như tín ngưỡng thành hoàng làng của người Việt và Neak tà là vị thần bảo hộ của phum, sóc Khmer.
Tín ngưỡng Arăk hiện nay không còn phổ biến. Arăk tượng trưng cho vị thần của dòng họ, là người trong dòng họ đã chết từ lâu nhưng linh thiêng nên được dòng họ tôn thờ là thần. Mỗi dòng họ có thể có nhiều Arăk hoặc nhiều dòng họ có thể thờ chung một Arăk. Về các nghi lễ nông nghiệp, do đặc điểm là cư dân trồng lúa nước và việc canh tác phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên nên trong xã hội người Khmer vẫn tồn tại nhiều nghi lễ nông nghiệp. Trong các nghi lễ này có tục cúng sân lúa (pi thi sel lean), cúng thần ruộng (Neak tà Xrê), cúng thần mục súc (Arăk viel). Về tôn giáo,trước khi Phật giáo du nhập vào, người Khmer có đạo Bà - la - môn.
Tuy ngày nay đạo Bà-la-môn không còn tồn tại ở xã hội Khmer nhưng những giá trị của nó còn thể hiện ở việc một số vị thần đã được đồng hóa trong tín ngưỡng Neak tà và Arăk. Một số hiện vật của đạo Bà – la - môn như linga và yoni vẫn còn được lưu giữ trong một số ngôi chùa Khmer. Hiện nay, phần lớn người dân Khmer Tây Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông (Phật giáo Nam Tông hay Phật giáo Theravada) và ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi lưu trữ văn hóa truyền thống Khmer. Phật giáo Nam tông chỉ tôn thờ Phật Thích ca, không tôn thờ các vị bồ tát.
Người Khmer dù tu ở chùa hay ở nhà thì họ đều tự coi mình là con của Phật. Trong quan niệm của người Khmer thì tu không phải để trở thành Phật mà tu là để làm người có nhân cách, có đạo đức. Vì thế, “dù là sư sãi ở chùa hay dân chúng tại thế thì đều phải rèn luyện theo đạo pháp: thọ giới, bố thí, niệm”. Người Khmer có câu truyền miệng rằng: “Ri neak minh ban buốt tuk, Chia tốk knong sao sơ mai” (người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống). Câu này không chỉ nêu lên tầm quan trọng của việc tu hành đối với mỗi người mà còn có giá trị định hướng đạo đức đặc biệt là đối với nam giới.
Con trai Khmer, bất kể là ai và có địa vị xã hội như thế nào, nếu muốn được coi là có đủ tư cách, phẩm chất trong xã hội, họ phải trải qua một thời gian tu và học tại chùa. Do Phật giáo có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người Khmer nên hầu hết mỗi sóc đều có một ngôi chùa. Chùa Khmer thường được xây trên những khuôn đất cao, thoáng mát và thường nằm ở trung tâm của các phum, sóc để thuận tiện việc đi lại của các tín đồ, phật tử. Do đặc điểm của việc tu hành của người Khmer thường gắn với việc học nên trong mỗi ngôi chùa ngoài chánh điện – nơi thờ Phật còn có những công trình khác để phục vụ việc tu học của sư sãi cũng như con em trong phum, sóc.
Bên cạnh đó, ngôi chùa còn là nơi sinh hoạt lễ hội của các tín đồ đồng thời là nơi bàn bạc những công việc chung của phum, sóc. Mỗi người Khmer từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi đều gắn bó với ngôi chùa. Sau khi chết đi, phần xác thì được hỏa táng trong lò hỏa táng của nhà chùa, tro cốt được thờ tại chùa và như vậy họ vĩnh viễn được ở bên Đức Phật. Hàng năm, đến ngày lễ Đôn - ta (ngày 30-8 Âm lịch), người dân Khmer dù ở gần hay xa đều trở về ngôi chùa để lễ Phật và thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Lễ hộicũng là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Khmer vì lễ hội thường gắn với tín ngưỡng dân gian và các lễ nghi tôn giáo.
Người Khmer Tây Nam Bộ có khoảng 15 lễ hội thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó có 10 lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo và do các sư sãi tổ chức trong khuôn viên chùa. Lễ hội của người Khmer gồm 2 loại là lễ hội dân tộc và lễ hội tôn giáo. Lễ hội dân tộc là những ngày lễ bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như cuộc sống lao động của dân chúng, tuy nhiên, trong quá trình phát triển thì những lễ hội này thường bị pha trộn với những yếu tố tôn giáo. Những lễ hội dân tộc lớn trong năm của người Khmer gồm: lễ Vào năm mới (Chôl chnam thmây) - thường tổ chức vào giữa tháng 4 Dương lịch tức đầu tháng Chét của người Khmer, lễ cúng ông bà (Đôn - ta) - tổ chức vào 3 ngày từ 29-8 đến 1-9 Âm lịch, lễ cúng trăng hay lễ cúng cốm dẹp (Ók om bok) - tổ chức ngày 15-10 Âm lịch.
Lễ hội tôn giáo của người Khmer ngày nay đều gắn với Phật giáo Nam tông. Những lễ hội tôn giáo định kỳ hàng năm đó là: Lễ phật đản (Lễ phật đản của người Khmer tổ chức vào rằm tháng 5 Âm lịch khác với ngày lễ phật đản của Phật giáo đại thừa: 8-4 âm lịch); lễ đặt cơm vắt (từ ngày 15 đến 30-8 Âm lịch); lễ ra hạ (14 và 15-9 âm lịch); lễ dâng y (từ 14-9 đến 15-10 Âm lịch). Ngoài ra còn có những ngày lễ không định kỳ như lễ an vị tượng Phật và lễ kết giới. Các giá trị văn hóa,phong tục, tập quán được người dân, sư sãi Khmer giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa, một số nét đẹp văn hóa tinh thần của họ đang phải đối mặt với nguy cơ mai một.
Việc giữ gìn, bảo tồn chữ viết Khmer gặp nhiều khó khăn do công tác bảo tồn, dạy học chưa được đồng bộ, thiếu sách giáo khoa. Một số lễ hội bị biến tướng; một số sắc thái văn hóa cổ truyền chưa được khôi phục hoặc khôi phục chưa tương xứng, mới chỉ chú trọng đến hình thức mà chưa phát huy giá trị giáo dục… Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, không đủ nghệ sỹ, nghệ nhân và nhạc cụ để bảo tồn, phát huy… Phát huy nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người Khmer vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa hiện nay cần: