Vì sao đồng hồ lại cần phải có kim giây?

Một tính năng hữu ích của kim dây là để biết đồng hồ vẫn đang chạy. Cùng đọc bài viết để biết thêm chi tiết nhé.

Một chiếc đồng hồ treo tường, để bàn hay đồng hồ đeo tay đều có 3 kim cơ bản. Đó là kim giờ, kim phút và kim giây. Nhưng khi xem giờ, chúng ta chỉ cần tới kim giờ và kim phút. Vậy kim giây xuất hiện trên mặt đồng hồ để làm gì? Có phải để những lúc rảnh rỗi không có gì làm, chúng ta có thể ngồi nhìn thời gian chầm chậm trôi qua một cách vô ích hay không? Trên thực tế thì chiếc kim giây không phải là thứ quá cần thiết trên mặt đồng hồ, nhưng cũng không hề vô dụng.

Và kim giây cũng có một lịch sử khá hào hùng và một trách nhiệm lớn lao, mà có thể nhiều người trong chúng ta không hề hay biết. Kim giây thực sự là một đổi mới sau này trên những chiếc đồng hồ hiện đại, nhưng chúng đã xuất hiện từ tận thế kỷ 15. Mặc dù lúc đó, kim giây vẫn không hề phổ biến. Nguyên nhân một phần từ nhu cầu của người dùng và một phần do công nghệ. Kim giây lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 15, trên những chiếc đồng hồ bỏ túi được sản xuất tại Đức.

Khi đó, kim giây chủ yếu được sử dụng cho những chiếc đồng hồ chuyên dụng, hơn là đồng hồ thông thường. Với những chiếc đồng hồ thông thường, kim dây không có tác dụng thực tế và cũng khó sản xuất. Cho đến thế kỷ thứ 17, các nhà sản xuất đồng hồ đã thêm “bánh xe thứ 4” vào bộ chuyển động 3 bánh xe tiêu chuẩn, với chu kỳ quay là đúng 1 phút. Sau đó, bánh răng thứ 4 này được kết hợp với một bánh răng bên ngoài, đảm nhiệm tính năng dừng thời gian.

Từ đó, việc các nhà sản xuất thêm một mặt số phụ và kim giây trên đồng hồ trở nên đơn giản hơn và cũng phổ biến hơn. Vào thế kỷ 19, kim giây và mặt số phụ đếm giây bắt đầu phổ biến. Cho đến thế kỷ 20, kim giây mới được đưa vào trung tâm, cùng một trục và mặt số với kim phút và kim giờ. Tuy nhiên kim giây khi đó vẫn chỉ được coi là một phần phụ của hệ thống truyền động bên trong đồng hồ. Phải đến năm 1948, chiếc đồng hồ Zenith’s Cal.

133 đánh dấu sự xáo trộn trong sắp xếp của các bánh răng, để thiết lập kim giây là trung tâm của chuyển động. Các kim giây “gián tiếp” trước đó khiến cho chuyển động của chúng bị rung lắc trên mặt đồng hồ. Bánh xe kim phút trước đó nằm ở trung tâm được chuyển ra ngoài và trở thành kim phút gián tiếp, sự rung lắc của kim phút không được để ý do chuyển động tương đối chậm của nó. Trước tiên, một chiếc đồng hồ không bắt buộc phải có kim giây và nó vẫn có thể hoạt động bình thường, hiển thị chính xác thời gian.

Trên thực tế vẫn có rất nhiều chiếc đồng hồ hiện nay không có kim giây. Ý nghĩa của kim giây bắt nguồn từ nhu cầu đo thời gian và bấm giờ một cách chính xác. Đó là lý do vì sao hầu hết những chiếc đồng hồ chronograph (tính năng bấm giờ) đều có kim giây lớn ở trung tâm và một mặt số phụ để hiển thị kim giây đang chạy bình thường. Trong chiến tranh, tính năng dừng kim giây cũng có vai trò rất quan trọng. “Dừng giây” hay “Hacking” trở thành một tính năng phổ biến sau khi quân đội Mỹ yêu cầu cho những chiếc đồng hồ A-11 trong Thế chiến thứ 2.

Những người lính thường không thể liên lạc trực tiếp với nhau, nhưng lại cần phải phối hợp hành động một cách chính xác. Một kim giây có thể dừng để đồng bộ hóa có ý nghĩa rất quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù có vẻ đơn giản, nhưng chức năng hacking này yêu cầu các thành phần kỹ thuật mà một chiếc đồng hồ thông thường không có. Nhà sản xuất phải thêm vào một đòn bẩy hoặc phanh để cản chuyển động của bánh xe chính, khi kéo núm vặn ra thì toàn bộ chuyển động của chiếc đồng hồ sẽ dừng lại.

Tuy nhiên cho đến nay thì tính năng này đã trở nên rất phổ biến và có trên hầu như tất cả các loại đồng hồ đeo tay. Cuối cùng, tính năng quan trọng nhất của kim giây, đặc biệt đối với đồng hồ cơ đeo tay, đó là để xem chiếc đồng hồ có đang chạy hay không, để bạn còn biết mà lên dây cót. Bởi rất khó để quan sát kim phút để biết được rằng chiếc đồng hồ vẫn còn đang hoạt động. Trên thực tế, một số chiếc đồng hồ cơ không có kim dây, mà sử dụng “chỉ báo hoạt động” với chức năng tương tự.

Nguồn: Pháp luật và Bạn đọc

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay