Ngay từ xưa các sách như Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Thoái Thực Ký Văn của Trương Quốc Dụng và Hưng Hóa kỷ lược của Phạm Thận Duật đã chép về một loại ma trong dân gian chuyên hút máu người ở vùng Hưng Hóa thường được gọi là ma Cà Rồng (茄蠬鬼), ma Cà Rằng (奇䗀鬼) hoặc ma Càn Sùng (乾崇鬼) Trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn:
"Trấn Hưng Hóa từ sách Tường Phù đến Hạ Lộ, có dân ma gọi là "ma cà rồng". Người dân này, lúc ban ngày động tác phục dịch, ra vào như thường. Đến đêm thì xỏ hai ngón chân cái vào lỗ mũi, bay đi làm ma, thường vào nhà đàn bà đẻ để hút máu. Đến trống canh năm, giống quái vật ấy bay trở về, ngâm chân vào thùng nước tô mộc, tháo chân ở mũi ra, trở lại làm người, nếu hỏi đến việc đã làm ban đêm thì không biết gì cả".
Tác giả Trần Quang Đức của Vân Trai Tùng Thoại nhận xét: "Vào thời Lê, Lê Quý Đôn mô tả, ma Cà Rồng ban ngày cày cấy như người thường, ban đêm thì đút hai ngón chân vào lỗ mũi bay đi, thích vào nhà bà đẻ hút máu, nếu thấy ánh đèn có sự khác lạ, tức là loài ma này sắp tới. Đến thời Nguyễn, Trương Quốc Dụng viết:
"Ma Cà Rồng không khác gì người, chỉ có trán đỏ, mắt nhiều lòng trắng là khác biệt, thích ở một mình, ban đêm lấy hai ngón chân cái đút vào mũi, tay xách tai bay đi, thích ăn máu mủ, mụn nhọt và bà đẻ. Đến đêm phải phòng thủ, thấy đèn chuyển thành màu xanh thì là điềm ma đến, bấy giờ phải gõ vào vách tường, thành giường để đuổi nó, bằng không thì bệnh sẽ nặng".
Khác với ghi chép của họ Trương về việc ma Cà Rồng thích ở một mình, Phạm Thận Duật cho biết: "Ma này cũng là người, cũng có vợ con, thường bí mật lẻn vào chỗ người ta nằm, hút tinh huyết, người không biết phần nhiều bị chết". Ông Phạm còn cho biết: "Sách 'Hưng Hóa lục' của họ Trần (làm chức quan Hiệp trấn) nói: Ma này lỗ mũi rất to, ban đêm cho hai chân vào lỗ mũi, bay vào nhà người ta, biến ra hình chó, mèo, hút máu người. Nay xem thấy lỗ mũi nó cũng như người thường thôi".
Nguồn: Mai Nguyên Phương