Ý nghĩa và nét đẹp của hoa anh đào

Mỗi mùa xuân về, hàng ngàn du khách khắp nơi trên thế giới kéo về Nhật Bản - xứ sở của hoa anh đào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của loài hoa này.

Hoa anh đào không đẹp khi đứng một mình, nó chỉ trở nên đẹp đẽ khi nở rộ thành một mảng: mong manh, rực rỡ. Và chính bản thân nó đã mang đến một thông điệp: con người dù ở hoàn cảnh khốn cùng nhất, vẫn luôn phải vươn lên, không bao giờ được đầu hàng số phận. Với Nhật Bản, sức sống trước hết chính là tinh thần võ sĩ đạo, thể hiện ngay khi họ đứng trước cái chết. Trong chiến tranh, những võ sĩ của xứ sở mặt trời mọc không bao giờ run sợ trước cái chết, mỗi khi thua trận, họ liền tự kết liễu để không khai ra đồng đội của mình.

Trong thế chiến thứ 2, sau khi trải qua những tổn thất nặng nề của chiến tranh, hoa anh đào càng được coi là biểu tượng của một Nhật Bản đau thương nhưng vững vàng với tinh thần đoàn kết, phấn đấu, không ngại gian khổ. Kết quả là từ một nước thảm bại trong chiến tranh, không có tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc đứng hàng đầu trên thế giới. Nhiều người Nhật nói rằng, giữa cảnh hoang tàn, đói khát sau chiến tranh, họ tưởng chừng gục ngã.

Nhưng vẻ đẹp rực rỡ của hoa anh đào lại tiếp cho họ thêm sức mạnh, và họ đồng lòng cùng nhau vực dậy một nước Nhật như ngày hôm nay. Người Nhật đã chứng minh cho thế giới rằng, nếu biết phát huy sức mạnh của từng cá nhân, biết liên kết vạn người như một thì sức sống mãnh liệt ấy sẽ trở thành tài sản vô cùng quý báu của bất kỳ quốc gia nào. Xuất hiện tại nhiều nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí là tại những vùng đất châu Mỹ xa xôi, nhưng nhắc đến hoa anh đào là mọi người nghĩ ngay đến Nhật Bản.

Tại đây, hơn 200 loài hoa anh đào đã được phát hiện, từ loài cây dại mọc trên núi cho đến những giống cây được chăm chút cầu kì, tỉ mỉ. Có loại màu trắng, có loại phơn phớt vàng nhưng nhiều nhất và đẹp nhất vẫn là anh đào màu hồng phấn. Những ngày đầu tháng 4, nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản lại hồng rực một màu hoa anh đào. Cả một màu hồng phấn ôm trọn lấy núi đồi, lan tỏa khắp phố phường tượng trưng cho một mùa lãng mạn và đẹp nhất: mùa hoa anh đào.

Hoa anh đào mọc ở Triều Tiên và Mỹ không có mùi hương nhưng Nhật Bản, người ta ngợi ca hương thơm của hoa anh đào trong những vần thơ. Hoa anh đào nở báo hiệu mùa xuân đến và cũng báo hiệu một mùa lễ hội lớn trong năm của Nhật Bản: Lễ hội hoa anh đào – một dịp để mọi người tụ tập trong các buổi tiệc ngắm hoa. Tại Tokyo, người ta còn dành cả một ngày hoa anh đào nở đẹp nhất để đưa gia đình đi dã ngoại, ngắm hoa. Ngồi dưới những tán anh đào nở bung, vừa uống rượu Sake, nhấm nháp đồ ăn,vừa vui vẻ trò chuyện.

Đó là khoảnh khắc quây quần hạnh phúc hiếm hoi trong quỹ thời gian làm việc kín mít của người Nhật. Hoa anh đào đẹp đẽ như thế nhưng lại nở rồi tàn trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 1 tuần khiến nhiều người tiếc nuối. Chỉ cần 1 cơn gió thoảng qua là cánh hoa đã nhẹ nhàng lìa cành, vì vậy đối với người Nhật, hoa anh đào đồng nghĩa với bản chất mong manh, ngắn ngủi của vẻ đẹp thanh xuân và cuộc sống. Lúc hoa anh đào cũng là lúc sắc hoa vẫn còn tươi thắm.

Vì lẽ đó nó đã trở thành biểu tượng của cái đẹp đối với bất cứ người Nhật nào. Đối với người Nhật Bản, hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho sức sống, vẻ đẹp mà còn là biểu tượng của tính khiêm nhường, nhẫn nhịn – một đức tính đặc trưng của dân tộc này. Nước Nhật tặng hoa anh đào cho các nước khác trên thế giới như một cách để thể hiện mong muốn được chung sống hòa bình. Trong cuộc sống dân gian, người dân sử dụng hoa anh đào như một món ăn thường nhật.

Hoa anh đào làm mứt, lá cây muối ăn kèm với cơm nắm, cuộc sống của người dân nơi đây luôn có sự hiện diện của hoa. Hoa anh đào cũng thể hiện tính khiêm nhường trong giao tiếp của người Nhật. Truyền thống nước Nhật có những quy tắc, lễ nghi mà mọi người đều phải tuân theo tùy thuộc vào địa vị xã hội, mối quan hệ xã hội của từng người tham gia giao tiếp. Những biểu hiện đầu tiên trong quá trình giao tiếp của người Nhật là thực hiện những nghi thức chào hỏi.

Tất cả các lời chào của người Nhật bao giờ cũng phải cúi mình và kiểu cúi chào như thế nào phụ thuộc vào địa vị xã hội, từng mối quan hệ xã hội của mỗi người khi tham gia giao tiếp. Một quy tắc bất thành văn là “người dưới” bao giờ cũng phải chào “người trên” trước và theo quy định đó thì người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi, nam là người trên đối với nữ, thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên.

Bất kỳ lời nói, cử chỉ nào của người Nhật kể cả sự thúc giục hay từ chối cũng đều mang dấu ấn của sự lịch thiệp, nhã nhặn. Vì người Nhật có ý thức tự trọng cao nên họ đặc biệt tránh trở thành kẻ lố bịch, không đúng mực, khiếm nhã khi giao tiếp. Người Nhật rất chú trọng làm sao cho người đối thoại cảm thấy dễ chịu. Họ không bao giờ muốn làm phiền người khác bởi những cảm xúc riêng của mình, cho dù trong lòng họ đang có chuyện đau buồn nhưng khi giao tiếp với người khác họ vẫn mỉm cười. Đó chính là tính cách khiêm nhường như một bông hoa anh đào sẵn sàng rụng xuống dù đang ở độ xuân sắc nhất.

Nguồn: tnttravel.tnt-vietnam.com

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay